Để Khu di tích lịch sử Đồn bản Mo không bị lãng quên

Trong những năm đầu kháng chiến, với tham vọng mở rộng vùng chiếm đóng, thực dân Pháp xây dựng nhiều hệ thống đồn bốt ở khu vực Tây Bắc. Tại Phù Yên, chúng đã xây dựng Đồn bản Mo (nay thuộc khối 11, thị trấn Phù Yên) thành cứ điểm kiên cố, vừa là sở chỉ huy quân sự, vừa là hệ thống chính quyền vơ vét của cải, thóc lúa trên cánh đồng Mường Tấc. Đồn bản Mo cũng là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân huyện Phù Yên.

Lô cốt Đồn bản Mo còn nguyên vẹn nằm trong diện tích đất của hộ gia đình ông Đỗ Xuân Hợi, khối 11 thị trấn Phù Yên.

Theo các tài liệu, Đồn bản Mo được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước, dạng hình vuông, cửa chính quay về hướng đông, tường thành cao 2 m, xây bằng đá cuội lấy từ suối Tấc; mỗi góc tường bố trí 1 lô cốt với lỗ châu mai quay về 3 hướng; ngoài cùng là 2 lớp tường rào dây thép gai, cao quá đầu người. Trong đồn có nhà ở cho binh lính, sĩ quan và hầm chứa vũ khí, đạn dược, thức ăn, nước uống. Ông Hoàng Ngọc Quang, bản Mo 2, một trong những đội viên Đội tự vệ tiếp quản Đồn bản Mo sau giải phóng năm 1952, kể: Ngày ấy, đồng bào Thái khắp các bản làng trong xã Quang Huy bị trưng tập để vận chuyển đá hộc từ suối Tấc về xây dựng đồn. Sau mấy tháng xây dựng, đồn cũng được hoàn thành; binh lính Pháp ở đây huênh hoang cho rằng Đồn bản Mo là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Tháng 9/1952, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng nhân dân và một phần đất đai Tây Bắc khỏi ách cai trị của thực dân Pháp. Ngày 18/10/1952, bộ đội chủ lực cùng với du kích địa phương đã tập trung tấn công Đồn bản Mo. Địch cùng đường chống trả điên cuồng. Sau gần 1 giờ chiến đấu, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, hàng trăm tên khác bị bắt sống, trong đó có cả tên quan ba Pháp chỉ huy đồn và tên tay sai châu úy ngụy quyền. Đồn bản Mo thất thủ, địch ở các đồn Phiêng Ban, bản Pe khiếp sợ, hoảng hốt tháo chạy sang Mường Khoa. Đến ngày 19/10/1952, huyện Phù Yên được giải phóng, chiến thắng Đồn bản Mo góp phần quan trọng vào việc tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung, trở thành hậu phương vững chắc phục vụ Chiến dịch Đông - Xuân (1953-1954) và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngay sau ngày giải phóng, tháng 10/1952, ông Hoàng Ngọc Quang cùng 11 du kích của xã Quang Huy được triệu tập vào đội tự vệ tiếp quản đồn, do ông Lường Văn Liều làm Tổ trưởng. Sau khi tiếp quản được 3 tháng, đồn được giao lại cho chính quyền xã Quang Huy quản lý, nay đồn thuộc địa phận thị trấn Phù Yên.

Tuy nhiên, Đồn bản Mo, nơi ghi dấu những giá trị lịch sử, hiện nay lại đang đứng trước nguy cơ bị xuống cấp, bị lấn chiếm, thậm chí đã có cả những hành vi phá hoại. Ngoài lô cốt chính còn gần như nguyên vẹn, 3 lô cốt còn lại đều bị hư hỏng đến 80%; khu đường hào, hầm chứa bị vùi lấp, trở thành rãnh thoát nước thải; một số đoạn tường bị phá, một số hộ dân xung quanh còn dùng làm kho chứa đồ, cơi nới thành khu nuôi gia súc, gia cầm...

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu di tích, ông Nguyễn Văn Thường, Trưởng khối 11 thị trấn Phù Yên, chia sẻ: Trước đây, khu vực này có 16 hộ dân về đây sinh sống sớm nhất là năm 1976, bây giờ đã có tới 40 hộ, đều nằm trong khu vực Di tích Đồn bản Mo. Năm 2015, Đoàn công tác của tỉnh đã xuống khảo sát, kiểm kê đánh giá lại Di tích. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được việc hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Kể từ năm 2008, khi chính thức được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, Đồn bản Mo vẫn chưa được đầu tư trùng tu và phục hồi các hạng mục.

Ông Đỗ Xuân Hợi, một trong những hộ gia đình nằm trong khu vực Di tích, nói: Ngày trước, lô cốt trong khu vườn sau nhà, tôi tận dụng quây lại để nuôi gia cầm, nhiều người gợi ý phá lô cốt để lấy sắt, thép... nhưng gia đình tôi kiên quyết phản đối. Hiện, phần đất đang được cho thuê làm xưởng mộc, đây cũng là phần đất duy nhất chứa lô cốt còn nguyên vẹn. Năm 2013, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Yên đã tiến hành cho các hộ dân nằm trong Khu di tích, trong đó có gia đình tôi, ký cam kết giữ nguyên hiện trạng di tích hiện còn, chúng tôi cũng đã được tuyên truyền về chủ trương di chuyển dân để tôn tạo lại Khu di tích. Dù vậy, kế hoạch cụ thể ra sao thì chưa thấy một văn bản nào thông báo!

Việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Đồn bản Mo không chỉ giúp thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn về lịch sử cách mạng quê hương, mà còn là điểm đến thu hút khách tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Mong rằng, ngoài công tác quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương cần nhanh chóng triển khai các giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, để Khu di tích lịch sử Đồn bản Mo không bị lãng quên.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới