Đẩy nhanh tiến độ chi trả dịch vụ môi trường rừng

Từ đầu năm đến nay, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về xác định diện tích cung ứng dịch vụ, xây dựng bản đồ phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng (MTR), Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh, xác định 61 lưu vực các nhà máy thủy điện do tỉnh quản lý và phối hợp với Quỹ Trung ương rà soát 10 lưu vực liên tỉnh thuộc các nhà máy thủy điện trên địa bàn làm cơ sở chi trả dịch vụ MTR. Đồng thời, rà soát, bổ sung đối tượng thu dịch vụ MTR, thống nhất với các đơn vị lựa chọn hình thức nộp, bảo đảm tiến độ chi trả dịch vụ MTR cho các chủ rừng.

 

 

 

Lực lượng kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu

triển khai các phương án bảo vệ rừng.

                 

Theo đơn giá đã được UBND tỉnh phê duyệt, tổng kinh phí chi trả dịch vụ MTR năm 2020 từ nguồn thu năm 2019 gần 260 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn 55 tỷ đồng, còn lại do điều tiết của Quỹ Trung ương. Đến hết năm 2019, diện tích cung ứng dịch vụ MTR đủ điều kiện chi trả là 563.867 ha, chiếm gần 89% tổng diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, 82.581 ha của 25 chủ rừng là tổ chức, tổng số tiền được chi trả gần 41 tỷ đồng và 481.286 ha của 41.720 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức chính trị xã hội, UBND xã, tổng số tiền được chi trả trên 219 tỷ đồng.

 

 

 

Tuyến đường về bản Cổng Chặp, xã Phổng Lái (Thuận Châu)

được bê tông hóa từ nguồn kinh phí dịch vụ MTR.

                 

Những tháng đầu năm, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã tập trung đôn đốc các đơn vị nộp tiền sử dụng dịch vụ MTR; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm tổ chức làm việc với 11 đơn vị còn nợ đọng tiền sử dụng dịch vụ MTR, yêu cầu ký cam kết thời gian trả tiền chậm nộp và nộp số phát sinh mới theo quy định. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền các xã và ban quản lý các bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ rừng và nhân dân trong công tác bảo vệ rừng, từng bước nâng cao giá trị dịch vụ MTR. Bên cạnh đó, Quỹ đã phối hợp với Dự án rừng và đồng bằng tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý dữ liệu bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; tập huấn xây dựng và triển khai thực hiện quy chế của bản về tổ chức nghiệm thu rừng; xây dựng hồ sơ chi trả tiền dịch vụ MTR đảm bảo theo đúng quy định, hạn chế sai sót, khiếu nại, khiếu kiện; tổ chức hướng dẫn cộng đồng bản và các chủ rừng sử dụng tiền dịch vụ MTR đúng mục đích. Đặc biệt, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã xây dựng thí điểm 9 nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng phát triển kinh tế ở các bản trên địa bàn huyện Mộc Châu, Thuận Châu và Phù Yên. Với mục đích tạo ra một kênh tài chính ổn định, các bản thực hiện trích 15-20% từ nguồn kinh phí được chi trả dịch vụ MTR và huy động các nguồn vốn khác để khuyến khích chị em mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, tạo thu nhập, từng bước giảm phụ thuộc vào rừng.

                 

Ông Sòi Ngọc Dũng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến cuối tháng 7, đơn vị mới triển khai chi trả dịch vụ MTR cho các chủ rừng, chậm gần 1 tháng so với kế hoạch. Điểm mới của năm nay là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch, an toàn trong quá trình giải ngân và từng bước thay đổi thói quen dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho bà con vùng sâu, vùng xa tiếp cận với những dịch vụ hiện đại, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã ký hợp đồng ủy thác chi trả qua bưu điện, ngân hàng CSXH và một số ngân hàng thương mại trên địa bàn. Để bảo đảm tiến độ, đơn vị đang chỉ đạo Chi nhánh Quỹ bảo vệ phát triển rừng các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, phấn đấu đến hết tháng 8 sẽ hoàn thành công tác chi trả dịch vụ MTR của năm nay.

                 

Từ nay đến cuối năm, cùng với tập trung thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ MTR, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tiếp tục tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng đôn đốc, xử lý các đơn vị sử dụng dịch vụ MTR và trồng rừng thay thế còn nợ đọng. Phối hợp với Ban quản lý dự án Trung ương và một số đơn vị liên quan, chuyên gia tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá việc thí điểm chi trả tiền dịch vụ MTR qua các bên nhận hợp đồng ủy thác. Khảo sát mô hình trồng dược liệu tại huyện Sông Mã làm cơ sở đề xuất một số chương trình dự án liên quan và tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng phát triển kinh tế để nghiên cứu nhân rộng.

 

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới