Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Sau một năm triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tiện ích không sử dụng tiền mặt thuận tiện, an toàn và hiệu quả.

 

Cán bộ BIDV Sơn La hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục thanh toán hóa đơn qua thẻ.

 

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược; yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua thu hộ tại các ngân hàng. Các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng đối với các khoản chi ngân sách nhà nước và có nguồn gốc ngân sách nhà nước cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa dịch vụ, các khoản thu, nộp thuế, lệ phí, phí, thu phạt hành chính; thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng năm sau cao hơn năm trước; các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn đều trả lương cho người lao động và thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua tài khoản. Toàn tỉnh hiện có trên 400.000 tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép của người trưởng thành; gần 230.000 người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng... Nhiều đơn vị đã đẩy mạnh không dùng tiền mặt, như: Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt, đến hết năm 2020, đã chi trả 446,2 tỷ đồng vượt mức chỉ tiêu được giao. Công ty Điện lực Sơn La đã ký hợp đồng hợp tác với 7 ngân hàng thương mại và 3 tổ chức trung gian thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với tỷ lệ khách hàng đạt 15,09%, tỷ lệ tiền không dùng tiền mặt đạt 41,15%. Ngành Thuế đã thỏa thuận với một số ngân hàng thương mại như: BIDV, Vietinbank, Agribank thực hiện các khoản thu, năm 2020, tổng thu thuế qua các ngân hàng đạt trên 2.673 tỷ đồng...

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản hướng đến đối tượng mục tiêu tài chính toàn diện, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thuận tiện, an toàn và hiệu quả như: cung cấp tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản; miễn phí dịch vụ thanh toán hóa đơn điện tử thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông cho khách hàng; miễn phí dịch vụ mở thẻ ATM đối với các đơn vị trả lương qua tài khoản và học sinh, sinh viên... Các ngành ngân hàng đã nỗ lực trong việc xây dựng và cung ứng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm mở rộng mạng lưới các điểm cung ứng dịch vụ tài chính. Đến nay, toàn tỉnh có 19 đầu mối chi nhánh, đơn vị tổ chức tín dụng. Mạng lưới gồm 10 chi nhánh loại II, 51 phòng giao dịch, 66 ATM, 199 điểm chấp nhận thẻ POS, 258 điểm giao dịch, 2 xe ô tô giao dịch tự động. Đẩy mạnh thanh toán qua các thiết bị di động dựa trên sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức công nghệ tài chính, tổ chức viễn thông tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, trên cơ sở hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các tổ chức tín dụng trên địa bàn...

BIDV Sơn La là một trong những ngân hàng thương mại tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào thực hiện các giao dịch tài chính. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc BIDV Sơn La, cho biết: BIDV Sơn La đang có 8.735 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện; hơn 4.700 khách hàng sử dụng dịch vụ chi trả tiền nước; có 52% tổng số khách hàng sử dụng ứng dụng Smartbanking. Năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh số đạt trên 3,6 triệu giao dịch, tăng 1,6 lần so với năm 2019; doanh số giao dịch điện tử đạt 24.804 tỷ đồng, tăng 1,85 lần so với năm 2019.

Để hoàn thành mục tiêu của Chiến lược tài chính quốc gia, đến năm 2025, có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25% người trưởng thành gửi tiết kiệm; số lượng thanh toán không dùng tiền mặt tăng 25%... Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính phù hợp, tạo thuận lợi, giảm phí giao dịch, đảm bảo thông tin thông suốt của các bên sử dụng dịch vụ tài chính. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.

Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Phạm vi của Chiến lược hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm. 
Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới