Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch

Xác định đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những yếu tố then chốt tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng cho nguồn lực du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

 

 

Hướng dẫn viên Công ty CP Du lịch Pha Luông (Mộc Châu) giới thiệu các sản phẩm nông sản tiêu biểu địa phương với du khách.

 

Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Luật Du lịch năm 2017 tại Mộc Châu cho 90 học viên là lãnh đạo quản lý lĩnh vực văn hóa xã, phường thị trấn, các huyện, thành phố và cán bộ các khu, điểm, bản du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh; tập huấn nghiệp vụ du lịch năm 2019 tại Thành phố cho 120 học viên; phối hợp với Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) tổ chức lớp bồi dưỡng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch cho 220 học viên các huyện, thành phố, khu, điểm, bản du lịch, nhà hàng khách sạn trong tỉnh; phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, kiến thức marketing online, sử dụng công nghệ thông tin digital 4.0 (du lịch thông minh)... cho 250 học viên 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ; phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội mở 12 lớp tập huấn đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch cho gần 1.000 học viên là lao động trong lĩnh vực du lịch huyện Mộc Châu.

 

Sở hữu tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn trên bản đồ du lịch vòng cung Tây Bắc, giai đoạn 2014-2019, tỉnh ta đã thu hút 132 dự án lĩnh vực du lịch dịch vụ, tổng vốn đăng ký trên 6.370 tỷ đồng. Đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2017 quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đã có 15 dự án được cấp Quyết định chủ trương và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 2.350 tỷ đồng; nhiều dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, đóng góp cho ngân sách và tạo thêm việc làm cho người lao động. Toàn tỉnh hiện có hơn 350 cơ sở lưu trú du lịch (46 khách sạn đạt chuẩn từ 1 đến 5 sao, còn lại là nhà nghỉ, homestay); 35 khu, điểm bản du lịch (27 du lịch sinh thái, 8 di tích văn hóa, lịch sử). Riêng năm 2019 đạt 2,5 triệu lượt khách (khách quốc tế 110 nghìn lượt), tổng doanh thu 1.915 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đang gặp không ít khó khăn do công tác quản lý về du lịch từ tỉnh đến huyện yếu; nguồn lực lao động trực tiếp và lao động mùa vụ, nhất là trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, khu, điểm du lịch thiếu và yếu; trình độ lao động tay nghề thấp... Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 107 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2023, mục tiêu xây dựng hoàn thiện 24 sản phẩm du lịch đạt chuẩn được công nhận; tạo thêm nhiều việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cần làm tốt hơn, xây dựng cho được dữ liệu phát triển du lịch thông minh. Phối hợp với các trường đào tạo trên địa bàn đổi mới công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề để từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Cùng với đó, Sở đang tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Sơn La. Bên cạnh đó, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức cho các huyện, thành phố, doanh nghiệp phát triển du lịch tham quan, học tập mô hình phát triển du lịch tiêu biểu; phối hợp với Vụ Lữ hành, Công ty Lữ hành, Hiệp hội Du lịch tổ chức kích cầu du lịch nội địa sau đại dịch COVID-19...

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới