“Dân vận khéo” thì việc gì cũng thành công

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực đời sống, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 

 

Mô hình “dân vận khéo” của HTX nuôi cá lồng dịch vụ tổng hợp Liệp Tè (Thuận Châu).

 

Xuân về, hoa đào dọc trục đường cùng địa danh phường mang tên người anh hùng Tô Hiệu (Thành phố) bung nở, phố xá trang hoàng đẹp hơn càng tô điểm diện mạo của khu đô thị bên dòng Nậm La rạng rỡ hơn. Hàng loạt công trình tầm cỡ mang ý nghĩa chính trị to lớn, như Ao cá Bác Hồ; Quảng trường Tây Bắc gắn với tượng đài Bác Hồ, hay những công trình phục vụ dân sinh, dân kế như Công viên tổng hợp 26/10; kè suối thoát lũ Nậm La; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Linh... đang tạo nên hình hài hiện đại cho đô thị miền sơn cước. Để có kết quả đó, công tác dân vận khéo chính là chìa khóa thành công khi cả hệ thống chính trị từ tỉnh, Thành phố, phường Tô Hiệu đều vào cuộc một cách quyết liệt, giúp cho công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Giai đoạn 2016-2020, Khối Dân vận Đảng ủy phường Tô Hiệu đã thường xuyên nắm tình hình, thực hiện tốt công tác tham mưu, tuyên truyền, vận động 241 lượt gia đình chấp hành giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trên địa bàn.

 

Nơi vùng nông thôn xã Liệp Tè (Thuận Châu), những thành viên HTX nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Liệp Tè mỗi ngày thu hoạch gần 1 tấn cá để cung cấp cho các siêu thị ở Hà Nội, Hải Dương và thành phố Sơn La, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm. Cá lồng được nuôi thả trong lòng hồ thủy điện Sơn La nước rất sạch, cá khỏe mạnh, thịt săn chắc, thơm ngon và được khách hàng ưa thích. Giáp Tết, cá lồng của HTX bán chạy hơn, giá cũng cao hơn ngày thường. Tìm hiểu được biết, trước kia ở xã Liệp Tè chỉ có vài hộ nuôi cá lồng với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa áp dụng kỹ thuật nuôi thủy sản, năng suất thấp. Năm 2016, huyện Thuận Châu phối hợp với Công ty Thủy sản Sông Đà đưa vào nuôi thí điểm 30 lồng cá tại xã, với các giống cá lăng, chép, rô, trắm... Với mong muốn liên kết các hộ trong xã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi cá và tìm kiếm thị trường để liên kết tiêu thụ sản phẩm, năm 2017, ông Quàng Văn Hợp đã tuyên truyền, vận động bà con trong xã thành lập HTX và được tín nhiệm bầu làm giám đốc. Ông Hợp bảo: Lúc đầu làm công tác “dân vận” gặp không ít khó khăn, do bà con chưa quen với phương thức sản xuất mới, vốn đầu tư nhiều, tôi đã đến từng nhà tuyên truyền các chủ trương, chính sách, những lợi ích khi tham gia HTX. Sau một thời gian kiên trì tuyên truyền, nhiều hộ đã ủng hộ tham gia. Đến nay, HTX có 45 thành viên, phát triển được 320 lồng nuôi các loại cá, như: Lăng đen, lăng vàng, cá chép, cá nheo... sản lượng ước đạt 25 tấn/năm, doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm.

 

Những mô hình “Dân vận khéo” đã thực sự đi vào cuộc sống và lan tỏa mạnh mẽ ở tất cả các địa bàn trong tỉnh. Điều này được thể hiện qua những con số ấn tượng với 378 mô hình lĩnh vực củng cố hệ thống chính trị; 1.032 mô hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế; 815 mô hình lĩnh vực văn hóa, xã hội và 440 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; trong  đó, nổi bật là mô hình “Mộc Châu - Người nghèo không bị bỏ lại phía sau” của Huyện ủy Mộc Châu được Ban Dân vận Trung ương khen thưởng; 67 điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Qua đánh giá, các mô hình đều gắn với thực tế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và gắn liền công tác chăm lo an sinh xã hội, cuộc sống dân sinh của người dân; đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân; xuất phát từ dân và chăm lo lại cho dân; huy động nhân dân chung sức đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

 

Đồng chí Kha Mạnh Sâm, Phó Trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy, cho biết: Phong trào dân vận khéo gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã có sức lan tỏa khắp các địa phương, đơn vị trong tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Luôn sâu sát, gần gũi để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với người dân trước khi quyết định những chủ trương lớn của địa phương. Các cấp ủy, chính quyền, địa phương, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn cũng cụ thể hóa từ nhiệm vụ của đơn vị mình để có những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận, phù hợp theo từng địa bàn dân cư với những đặc thù riêng về dân tộc, vùng miền, điều kiện kinh tế, dân trí... Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhằm biểu dương, khen thưởng những đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực; phát hiện những khó khăn, vướng mắc, để có hướng chỉ đạo, tháo gỡ.

 

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các cấp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội... đã giúp cho công tác dân vận của Sơn La ngày càng đổi mới, tạo sự đồng thuận cao từ cơ sở.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới