Dân tộc Mường

Dân tộc Mường ở Sơn La là bộ phận dân tộc đông thứ tư. Chiếm 8,4% dân số, cư trú chủ yếu ở vùng Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu. Người Mường còn có tên gọi là Mol, Mual, Moi. Tiếng Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường. Người Mường thờ cúng tổ tiên và tin vào đa thần giáo.

Cọn nước-công cụ thủy lợi truyền thống của người mường

Một số nét văn hóa tiêu biểu của người Mường

Đồng bào Mường sống định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường làm ruộng từ lâu đời . Lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Trước đây, đồng bào trồng lúa  nếp nhiều hơn lúa tẻ và gạo nếp là lương thực ăn hàng ngày. Nguồn kinh tế phụ đáng kể của gia đình người Mường là khai thác lâm thổ sản, như nấm hương, mộc nhĩ, sa nhân, cánh kiến, quế, mật ong, gỗ, tre, nứa, mây, song…Nghề thủ công tiêu biểu của người Mường là dệt vải, đan lát, ươm tơ. Nhiều phụ nữ Mường dệt thủ công với kỹ nghệ khá tinh xảo.

Trang phục của nam giới Mường là bộ quần áo cách màu chàm. Phụ nữ đội khăn màu trắng hình chữ nhật, mặc yếm và áo cánh ngắn thân có xẻ ngực (có nơi xẻ vai), ít cài cúc. Váy của phụ nữ Mường khá dài, mặc cao đến nách. Những chiếc cạp váy được dệt bằng tơ nhuộm màu, tạo những hoa văn hình học và những hình con rồng, phượng, hươu, chim…tuyệt đẹp.

Xưa kia, hình thái tổ chức xã hội đặc thù của người Mường là chế độ lang đạo, các dòng họ lang đạo (Đinh, Quách, Bạch, Hà) chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu mỗi mường có các lang cun, dưới lang cun có các lang xóm hoặc đạo xóm, cai quản một xóm.

Tục cưới  xin của người Mường gần giống như người Kinh (Chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và đón dâu). Khi trong nhà có người sinh nở, đồng bào rào cầu thang chính bằng phên nứa. Khi trẻ lớn khoảng một tuổi mới đặt tên. Khi có người chết, tang lễ thường có thầy cúng hát - kể về buổi khai thiên lập địa, về tổ tiên xưa.

Đồngbào Mường có nhiều ngày lễ hội hằng năm; Hội xuống đồng (Khuông mùa), hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá lúa (tháng 7, 8 âm lịch), lễ cơm mới…

Kho tàng văn nghệ dân gian của người Mường khá phong phú, có các thể loại: Thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi… Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường, ngoài ra còn nhị, sáo, trống, khèn lù. Người Mường ở Vĩnh Phú còn dùng ống nứa gõ vào những tấm gỗ trên sàn nhà, tạo thành những âm thanh để thưởng thức gọi là “đậm đuống”.

Đang Mường nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền

Ðồng bào Mường tỉnh Sơn La sống tập trung ở các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu và một số ít ở Mai Sơn, Yên Châu. Hầu hết bà con đều cư trú ở ven vùng hồ sông Ðà. Nguồn gốc của người Mường là từ Hoà Bình di cư dần lên theo sông Ðà từ lâu đời.

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, đồng bào Mường cũng có nền văn hoá cổ truyền độc đáo. Trong nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần phải kể đến Ðang, có thể hiểu nó là một loại dân ca của dân tộc Mường) với nhiều làn điệu.

Tiêu biểu là Ðang đối đáp. Ðang đối đáp thường diễn ra khi tiếp khách (khách quen, khách lạ) và trong tình yêu đôi lứa.

Khách đến nhà, chủ bao giờ cũng phải rải chiếu, pha nước mời khách trong khi đang làm cơm đãi. Khi ngồi mâm cơm, chủ nhà thường chào rất khiêm tốn. Ðại loại như “Mấy khi anh chị đến thăm, để gắn thêm tình thân gia đình chỉ có đĩa  rau, đĩa muối để anh chị đỡ đói. Ðến lần này đừng chừa lần khác”. Rồi mời khách uống rượu. Nhưng khách (đặc biệt là khách biết Ðang) thì không nâng chén vội mà chắp tay đáp lễ. Ðại ý: “Ðã lâu không đến thăm nhà ta, nay chân đi mồm đi theo, anh, chị vẫn nhớ tình nghĩa có mâm cao cỗ đầy tiếp đãi”.

Rồi hai bên vui vẻ nâng chén. Ðó là đoạn dạo đầu cho cuộc vui giữa chủ và khách, có khi đến thâu đêm. Khi bắt đầu ngà ngà rượu, chuyện bắt đầu rôm rả thì đến khi Ðang đối, Ðang đối này có thể khách đi trước (tất nhiên là khách phải biết Ðang). Nếu khách Ðang trước, thường là dùng làn điệu Ðang tồn (tôn chủ nhà lên hoặc tôn mâm cơm). Dù mâm cơm có thế nào, khách vẫn qua các câu dạo đầu, đại ý:

                Ði trên đường đã nghe con chim mít nó báo

                Vào đến bản đã nghe con chim cu nó dặn

                Nhà ta đang ăn nên làm ra

                Giờ thấy mâm cơm quả lời đồn có thật”

Và khách bắt đầu tôn mâm cơm bằng những câu ví rất vần. Ví như: “Không khinh em (anh) nghèo hèn mà đến thăm, đáng lẽ tiếp cơm rau cũng xong. Ðằng này anh, chị lại tiếp mâm cỗ nhà quan. Giữa có đĩa cá rán, chung quanh đầy đĩa gan trâu, gan bò, lại thêm bát kho tim voi…”

Cứ thế khách kể đủ thứ cao lương mỹ vị, mặc dù trong mâm không có. Nếu như trường hợp khác thì chủ nhà có thể cho là khách nói kháy mình. Nhưng đây là Ðang đối đáp cho vui, để biết cái tài đặt lời Ðang của đối phương, cho nên không có chuyện tự ái khi khách tôn mình lên quá đáng. Vì vậy khi khách kết thúc bài Ðang tồn, thường chủ nhà dùng làn điệu Ðang kèng hay Ðang tàn xần (tủi thân, hạ mình xuống) để đáp lại. Khách càng tôn mình lên bao nhiêu, thì mình tự hạ thấp bấy nhiêu. Chẳng hạn nói về mâm cơm, dù có sang mấy vẫn:

                -Cơm con nhà nghèo chỉ có củ băng, củ nâu

                Dúm rau đắng với bát canh cỏ bợ

                Bầu rượu nhạt mong anh chị đừng sợ lần sau.

Cứ vậy chủ nhà buông lời thì khách tiếp. Tất nhiên cả hai đều phải giỏi Ðang đối đáp mới kéo dài được. Có chủ nhà vì không biết Ðang phải nhờ đến “cây” Ðang trong bản đến tiếp khách giúp. Nếu cuộc đối đáp này lại diễn ra giữa tình yêu đôi lứa thì càng say sưa đằm thắm tưởng không đủ đêm ngày để bày tỏ hết nỗi lòng. Tuy nhiên, Ðang đối cũng như các điệu Ðang khác phải có người có giọng Ðang quyến rũ. Ðiều đặc biệt là các bài Ðang không có sẵn mà chỉ có một cái sườn cơ bản, ở trong các sườn đó người Ðang có thể sáng tạo uyển chuyển theo ý mình.

Ðang đối trong tình yêu cũng diễn ra tương tự, nhưng ít khi đôi lứa tự Ðang với nhau. Nhất là vào dịp lễ tế, đám cưới”mỗi bên đều có quyền chọn một người Ðang thay mình và thường là người có tài ứng biến, xuất khẩu thành thơ và Ðang đối trong tình yêu phong phú, đa dạng hơn Ðang đối thông thường có lúc dùng Ðang kèng (kháy nhau). Có lúc lại Ðang tồn. Có lúc lại dùng Ðang tàn xần (buồn phiền vì phận nghèo hèn”) Nhân dịp tết ở nhà ai đó, đôi trai gái gặp nhau, người con gái  Ðang ướm bằng bài Ðang tồn.

                - Anh là ai, trông ra con nhà quan

                Muốn bắt quen mà sao cứ thấy lạ”

Thì người con trai có thể dùng Ðang tàn xần đối lại

                -Nghe em hỏi mà lòng anh đau từng khúc ruột

                Nhà anh nghèo cột tre mái lá

                Ngày tết nghe nhà trên rán mỡ

                Còn nhà anh rang vỏ ốc cho giống tiếng kêu

Nghe Ðang đối trong tình yêu quả là trữ tình, đằm thắm, cộng với Ðang quyến rũ nữa, nhiều khi làm cho người nghe quên hẳn thực tại trần ai của mình, đưa tâm hồn mình hoà nhập với tình yêu đôi lứa.

Một số phong tục Tết của dân tộc Mường ở Tây Bắc

 Bánh Chưng ngày tết

 Dù giàu hay nghèo, người Mường vùng Tây Bắc không thể thiếu bánh chưng trên bàn thờ. Có điều bánh chưng nhỏ, dài độ gang tay gọi là bánh chưng ống chỉ 1 và 2 lạng gạo. Tuy bánh nhỏ nhưng số lượng khá nhiều, nhà nghèo ít cũng trên dưới 200 chiếc, nhà khá giả gói đến cả ngàn chiếc. Vì thế phong tục người Mường có lệ bản, ngày gói bánh trước ngày tết của gia đình mình từ 2 đến 3 ngày. Người trong bản, trong họ hẹn lịch nhau, tập trung gói hết từ nhà này đến nhà khác.

 Ngày gói bánh tết là ngày hội bận rộn nhưng rất vui của chị em, kể cả những chàng rể, cô dâu tương lai đều có mặt, là nơi hội tụ trai, gái đến tuổi cập kê, họ Ðang (hát).

        Bánh tết của anh

        Tuổi xuân của em

        Hẹn ngày đôi ta

Bánh chưng còn là quà của chủ nhà phát vốn cho nhiều  người, nhất là trẻ em đến chúc tế không phát vốn bằng tiền) nếu là người già và bề trên trong họ còn kèm theo gói thịt băm.

         Món cá chua

Ngày xửa ngày xưa, người Mường bấm đốt ngón tay để xem ngày, chuẩn bị các món ăn cho ngày tết thật chu đáo, trong đó nhất thiết nhà nào cũng phải có món cá ướp chua

Ðể có một “Pe cá Tua”- hũ cá chua không phải dễ. Con trai đi quăng chài vào đêm, đem cá về mổ bụng moi ruột, cắt khúc nhỏ bằng hai ngón tay, bỏ đầu đuôi, ướp muối, đem xôi, sau đó thêm một ít cơm nguội, ít men rượu, trộn đều rồi cho vào hũ, được 15 ngày thì bỏ thính vào.

Cá ướp chua để từ 3 đến 6 tháng, bày lên mâm ăn ngay. Cá ướp chua gói vào lá thầu dầu (bánh tẻ) rồi nướng. Cá ướp chua nấu canh có thêm gia vị: Lá sả, gừng, ớt, mắc khén. Cá ướp chua làm bánh và đồ cơm (vung chảo xôi bằng gỗ).

Người Mường có câu: “ăn một miếng cá chua, sáng mắt cả năm” mùi thơm của cá chua nướng, hơi bốc lên của chõ xôi bánh khêu gợi mời gọi mọi nhà đón xuân về.

Ăn chay

Ðêm 29 và 30 tháng chạp, nhà nhà đều thắp hương, sắm mâm rau, quả, rượu, trầu cau, không có thịt cá, gọi là ăn chay để đón “ma nhà” và tổ tiên về ăn tết. Do đó, gọi bữa “tiệc” đêm 29 và 30 tháng chạp là ngày ăn chay.

Uống rượu khi hát

Hát dân ca (Ðang) là độc đáo nhất của dân tộc Mường, trong mâm cỗ ngày tết không thể thiếu. Nhưng bây giờ không phải ai cũng biết Ðang như ngày xưa, cho nên cải biến bằng cái lệ. Chủ mâm xướng ra một đôi chén rượu, đôi chén ấy đặt trước ai người ấy phải Ðang, nếu không biết thì hát bất kỳ bài gì mà mình biết. Khối anh cán bộ người Kinh phải hát cả bài kết đoàn là vì thế.

Giã cốm gõ máng

Ðón xuân về, đồng bào Mường say mê Ðang (dân ca Mường) đối đáp khắp bản trên mường dưới. Có các nội dung cồng, chiêng, giã cốm máng, ném còn, thăm viếng, chúc tụng mừng vui suốt cả hội tết.

 Một số hình ảnh về dân  tộc Mường ở Sơn La

Ngày hội của bản

Một cảnh trong lễ hội Mợi của dồng bào Mường(Phù Yên)

Một cảnh trong lễ hội Mợi của dồng bào Mường(Phù Yên)

Dàn nhạc của người Mường

Một bản của người Mường

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới