Dặm dài Chiềng Hoa

Chợ phiên Chiềng Hoa điểm đến độc đáo ở tỉnh Sơn La, nơi hội tụ những sắc mầu văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Khơ Mú, La Ha. Tới chợ Chiềng người ta không chỉ để giao thương mà còn tới để hẹn hò, để làm duyên hay say cái men say của núi rừng Tây Bắc.

Chợ Chiềng Hoa, thuộc xã Chiềng Hoa, huyện Mường La, tỉnh Sơn La họp vào mùng 2,12, 22 âm lịch hàng tháng. Từ thành phố Sơn La theo quốc lộ 279 tới chợ Chiềng, thử thách đầu tiên chúng tôi phải vượt qua đỉnh đèo Cao Pha có độ cao gần nghìn mét, hai bên là núi đá cao chót vót và vực sâu hun hút. Len lỏi tới được đỉnh đèo, chúng tôi có cảm giác mình đang đứng ở “cổng trời” - nơi ranh giới giữa thiên đường và hạ giới, giữa biển mây trắng bồng bềnh trôi, mây là là bay trước mặt chỉ muốn đưa tay tóm lấy đưa vào miệng để cảm nhận cái hương vị ngai ngái của núi rừng Tây Bắc.

Trên đỉnh đèo Cao Pha, bình minh lên tráng lệ, đẹp ngoài sức tưởng tượng. Vầng dương phủ một màn nắng vàng rực lên màu cam đỏ trong sương núi. Ánh nắng làm sương dần tan, những vạt nắng vắt ngang qua thung lung tạo nên vệt ánh sáng kỳ ảo. Cùng đó các ngôi nhà gỗ của người Mông ẩn hiện bên triền núi biếc tô điểm thêm cho bức tranh cuộc sống miền sơn cước.

Qua đèo Cao Pha là tới địa phận xã Mường Bú, sau cơn mưa dài vài hôm trước, nắng đã kịp hong khô con đường, chiếc xe Win bám đầy đất đỏ bazan do anh bạn cầm lái không còn lồng lên, ngoặt ngẹo sang trái sang phải như trước nữa. Tới xã Tạ Bú, tuyến đường ở đây đã được xây dựng rộng rãi giúp hành trình tới chợ Chiềng dễ dàng hơn.

Anh Lù A Tếnh khách tới chợ nói với chúng tôi bằng chất giọng lơ lớ đặc trưng của người Mông “Ơn Đảng, ơn Nhà nước nhiều, trước kia chưa có đường tới chợ Chiềng khổ lắm, nay đã có đường lớn đi lại dễ dàng, mình mua được nhiều cái hàng về bán”, rồi anh chỉ về chiếc xe Wave chở đầy hàng hóa dựng cách đó không xa. Tạm biệt anh chúng tôi tiếp tục lên đường ! Khi nhìn thấy dòng sông Đà như dải lụa mềm mại uốn lượn giữa núi rừng là tới con đường dẫn vào chợ phiên.

 Chợ Chiềng Hoa. Minh họa: Thế Dương.

Chợ Chiềng Hoa nằm ven theo dòng sông Đà, họp từ sáng hôm trước đến trưa hôm sau, người ta tới chợ bằng thuyền rất đông, bến thuyền có hàng trăm chiếc đủ loại thuyền độc mộc, thuyền ba lá, thuyền máy neo đậu, ra vào bến. Nhiều thuyền lớn của các chủ hàng từ Bích Hạ - Hòa Bình ngược dòng sông Đà tới chợ buôn bán, cảnh tầu thuyền vào ra tấp nập không ngớt. Đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, La Ha từ nhiều nơi tới chợ, người ở gần sông thì tới chợ bằng thuyền, người ở xa thì vượt đèo, qua suối tới chợ. Dù qua bao ngọn đèo con suối họ cũng chẳng muốn vắng mặt ở chợ phiên.

Chiềng Hoa – cái tên thơ mộng được người dân nơi đây chọn và đặt tên từ khi còn chưa có bóng dáng người Kinh đến nay vẫn thế. Ở đây họ dường như đều quen nhau cả, đều toát lên sự gần gũi thân mật. Các cô gái, chàng trai người Thái, Mông, Mường, La Ha, Khơ Mú và những người đã có gia đình đều có cái cớ riêng để tới chợ. Còn với nhiều người tới chợ đã là một nếp sống, thế rồi ai cũng có cái cớ riêng cho mình để tới chợ. Bởi vậy ngày thường chợ vốn vắng vẻ, hiu quạnh nhưng đến phiên, chợ Chiềng lại nhộn nhịp, đông vui, rộn rã sắc mầu đến khác lạ.

Hình ảnh các cô gái Mông Hoa giữa chợ họ đang vấn lại những mái tóc thật dài, chị Giàng Thị Hoa tâm sự: “Ngay từ khi còn nhỏ mái tóc người con gái Mông Hoa được các bà mẹ rất quan tâm, khi chải tóc cho con gái xong bà mẹ giữ lại những sợi tóc rụng, cùng sự lớn lên của cô con gái bà mẹ đem tóc xe lại thành những sợi to và cất giữ. Khi lớn lên các cô gái Mông Hoa ý thức được việc làm của mẹ, nhặt các sợi tóc rụng của mình cùng lọn tóc của mẹ đã giữ gìn qua bao năm tháng qua rồi vấn thành vành tóc to trên đầu”. Mái tóc của người Mông Hoa mang tình mẫu tử sâu nặng là một phần của văn hóa tộc người.

Gặp các cô gái dân tộc Thái với áo cóm, váy hồng, trắng, đội những chiếc khăn piêu rực rỡ thêu thùa tinh sảo, đậm chất núi rừng. Dường như họ chẳng quan tâm tới những gì đang xảy ra chung quanh, họ tự trang trí làm duyên cho nhau rồi lẽn bẽn cúi đầu khi bắt gặp những ánh mắt lạ. Không khí chợ rộn ràng, ai ai cũng khoác lên mình những bộ váy áo mới sặc sỡ đủ màu, khuôn mặt luôn nở nụ cười, xem đây là ngày hội xuống núi, nơi gặp gỡ trò chuyện sau những ngày xa vắng. Tô điểm trong chợ phiên là các cô gái dân tộc Khơ Mú má đỏ hây hây, hay bài nhạc gọi bạn cùng các bà mẹ địu con trên lưng đến chợ trong khung cảnh thú vị, độc đáo.

 Vành tóc đặc trưng của người Mông Hoa.

Xưa kia chợ Chiềng chủ yếu bán các vật dụng thiết yếu do đồng bào tự làm, tự bán như dao quắm đi rừng, cuốc, thuổng, lâm thổ sản, thổ cẩm. Nhưng nay có thể tìm thấy ở chợ đủ thứ từ cái kim sợi chỉ tới các mặt hàng điện thoại, ti vi, thiết bị số…

Anh Lê Văn Hùng người Hải Dương, sau khi kiểm xong một xe hàng đầy ắp các loại quần áo, chăn, màn rồi vỗ tay bồm bộp vào yên xe bảo bác tài “Hàng đã đủ, đi được rồi”. Nhắc tới câu chuyện lên miền ngược buôn bán, anh cười khà khà, nhấp ngụm nước chè rồi chép miệng nói hồi đầu tới chợ Chiềng cũng chỉ là để mua ngô, sắn, trâu bò thu gom được của bà con dân bản về xuôi bán kiếm lời, đến nay thấm thoắt đã gần 5 năm. Còn anh Sơn ở Tiên Lãng, Hải Phòng bán thuốc lào tâm sự: “người dân ở đây chất phác dễ buôn bán”, hết phiên chợ này anh lại ngược lên chợ khác để bán, từ đầu năm tới giờ cũng kiếm hơn chục triệu đồng. Rồi anh chỉ xuống cuối chợ, nơi dân Hải Phòng, Bắc Giang mang hàng dưới xuôi lên bán đủ thứ từ lọ nước gội đầu, xà phòng thơm nhãn hiệu Clear, Omo, Dove đến nồi, niêu, bát đĩa. Người mua thì vẫn mua, kẻ bán thì vẫn bán. Cái xô bồ, lọc lõi của cuộc sống hiện đại biến đổi đến cả những cái chợ xa tít tắp ở vùng cao Tây Bắc này.

Dù vậy, ở chợ khách dễ dàng tìm mua được nhiều loại thổ cẩm đủ sắc màu sặc sỡ do chính đồng bào dệt thủ công bằng sợi gai, màu nhuộm từ chế phẩm cây cỏ thiên nhiên, bền và dẻo dai giống như bản chất của người dân nơi đây. Chợ còn bán nhiều loại trang sức khác như: Vòng bạc, các dây xích, tua tòng teng, lá chắn bằng bạc hay nhôm cầu kỳ, đẹp mắt được người Mông, Thái, Mường rất ưa thích.

Còn với cánh đàn ông tới Chiềng Hoa, chủ yếu để giao lưu với bạn bè và uống rượu. Chúng tôi sà vào một quán rượu cùng đám thanh niên, họ uống thứ rượu ngô đậm như nước cốt rượu cái của người miền xuôi, rồi đưa rượu bằng xôi nếp nương với thịt lợn rừng. Khi ngà ngà say, hai anh em người Mông Vàng A Lềnh và Vàng A Chu lại hát những câu ghẹo gái dí dỏm bằng tiếng Thái, tiếng Mông. Rượu ở đây chỉ để vui, để giải sầu, để chảy tràn ra rồi đổ nghiêng vào nhau trong niềm vui bất tận.

Khi có thể bập bẹ hát được mấy câu ghẹo gái bằng tiếng Mông, chúng tôi cũng chếch choáng men say. Mặt trời đỏ rực về ngang đỉnh núi, đành tạm biệt hai anh em Vàng A Lềnh, tạm biệt cuộc sống chân thực miền sơn cước để ra thuyền về cho kịp. Con thuyền bồng bềnh trôi, sắc trời tím màu hoàng hôn, mặt sông lấp lánh sắc bạc trong dư vị của núi rừng và tình người Tây Bắc, Chiềng Hoa xa dần sau những rặng núi xanh thẫm. “Tôi thầm hứa với lòng mình sẽ có một ngày trở lại...!”.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới