Đảm bảo các điều kiện, tự tin bước vào năm học mới

Cùng với cả nước, ngày 5/9, hơn 360 nghìn học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT trong toàn tỉnh sẽ bước vào năm học 2019-2020. Để chuẩn bị cho năm học mới, Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đảm bảo cho một năm học đạt kết quả cao nhất. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Cơ sở vật chất Trường THPT Mai Sơn được đầu tư xây dựng khang trang, sẵn sàng cho năm học mới.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020 của ngành Giáo dục và Đào tạo?

Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng:  Xác định vai trò chủ đạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, trong tháng 7 và tháng 8, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng hè cho 557 cán bộ quản lý, 923 giáo viên cốt cán cho các bậc học, cấp học và chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành. Qua đó, trang bị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các vấn đề về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, góp phần nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu của chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên, đồng thời chuẩn bị tốt điều kiện về đội ngũ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; giúp cán bộ quản lý, giáo viên có tâm thế tốt nhất, bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ của năm học mới. Hiện nay, toàn ngành có hơn 24 nghìn cán bộ, giáo viên trong đó trên 99% đạt chuẩn trở lên.

Cùng với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, Sở đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm kê, đánh giá lại tài sản; đề xuất kinh phí đầu tư đối với những công trình xuống cấp, hư hỏng để cải tạo, sửa chữa, đảm bảo an toàn cho học sinh; tổ chức vệ sinh trường, lớp, khuôn viên, cây xanh... Đến nay, toàn tỉnh có hơn 12.600 phòng học, trong đó có trên 8.000 phòng kiên cố, cùng với đó nhiều trường đầu tư phòng vi tính, phòng thực hành, thư viện... phục vụ tốt việc dạy và học. Đến thời điểm này, các trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sẵn sàng bước vào năm học mới đạt kết quả cao nhất. 

Phóng viên: Với đặc thù là tỉnh miền núi, nhiều thí sinh là con em dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, Ngành đã có những giải pháp gì để hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng: Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, trước năm học mới, Ngành chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố rà soát các học sinh thuộc diện bán trú đảm bảo tổ chức nấu ăn ngay từ đầu năm học mới; duy trì các trường đang thực hiện nấu ăn tập trung bán trú, đồng thời mở rộng, thêm một số trường ở những nơi có điều kiện tổ chức bán trú gắn với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ nấu ăn tập trung như:  bếp ăn, nhà ở bán trú, công trình vệ sinh, nhà ăn được đầu tư, từng bước đáp ứng tổ chức nấu ăn tập trung bán trú tại trường. Năm học này, toàn tỉnh có 182 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú, hơn 1.800 phòng ở bán trú; trên 200 nhà bếp; gần 500 nhà vệ sinh; trên 240 công trình nước sinh hoạt và giếng nước phục vụ cho sinh hoạt, nấu ăn bán trú; ngoài ra các trường còn mua sắm bổ sung đồ dùng, dụng cụ nhà bếp phục vụ cho nấu ăn, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ cho trên 50 nghìn học sinh bán trú. Cùng với đó, ngành chỉ đạo các trường học tích cực tăng gia sản xuất, tự trồng rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày, góp phần giáo dục kỹ năng sống, ý thức lao động cho học sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh...

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết ngành đã có những giải pháp gì để đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới?

Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng: Xác định  phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Để hiện thực hóa, Ngành Giáo dục - Đào tạo tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn kết giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể hóa trong từng bậc học, đối với giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ; giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục chuyên nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo từng cấp. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo...

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

(Thực hiện) 

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới