Đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), qua đó, đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Thành Công

Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan thiết bị, dụng cụ phương tiện PCCC và CNCH.

Sau khi Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ có hiệu lực (ngày 4/10/2017), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy; hướng dẫn của Bộ Công an về công tác PCCC&CNCH, UBND tỉnh Sơn La đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, lấy lực lượng Công an làm nòng cốt, tập trung triển khai đồng bộ công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh, nhất là việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

Thực hiện Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 19/11/2021 của HĐND tỉnh về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Sơn La được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC 2001 có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La...; chỉ đạo các cấp, các ngành, thành lập các đoàn kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCCC&CNCH, kiểm tra an toàn PCCC đối với 100% hộ gia đình, kịp thời phát hiện tồn tại, thiếu sót về PCCC, tổ chức cho các hộ ký cam kết, khắc phục; các nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã mở lối thoát nạn thứ 2; các huyện, thành phố xây dựng, ra mắt mô hình điểm “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an tổ chức vòng loại Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II; tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia tại khách sạn Mường Thanh Mộc Châu.

Việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCCC&CNCH được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền về pháp luật, kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH cho mọi tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội, hướng đến tuyên truyền nhanh, chính xác, hiệu quả. Duy trì chương trình “Em là chiến sĩ cứu hỏa”; chuyên mục “Alo 114” trên Báo điện tử Sơn La, Đài PT & TH tỉnh... Xây dựng, nhân rộng hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” trong công tác PCCC&CNCH, gồm: Cụm dân cư an toàn PCCC&CNCH; Tháng An toàn PCCC&CNCH (tháng 10), Ngày toàn dân PCCC&CNCH (4/10); Tổ liên gia an toàn PCCC; Chợ kiểu mẫu về an toàn PCCC và CNCH… Qua đó, nâng cao ý thức, nhận thức của nhân dân về công tác PCCC&CNCH, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Hiện, toàn tỉnh có 7.911 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; trong đó, 724 cơ sở nguy hiểm cháy nổ; 1.896 cơ sở do cơ quan Công an quản lý và 6.015 cơ sở do UBND cấp xã quản lý. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập, củng cố, kiện toàn 2.509 đội PCCC dân phòng ở các tổ, bản, tiểu khu với 31.447 đội viên; 4.508 đội PCCC cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với 21.333 đội viên. Chỉ đạo Công an tỉnh tổ chức 618 lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng  PCCC cơ sở, chuyên ngành, dân phòng với 36.667 người tham gia.

Trong 5 năm qua, các lực lượng phòng cháy chữa cháy đã huy động trên 500 lượt phương tiện, 3205 lượt cán bộ, chiến sĩ, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ 312 vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố (trong đó 102 vụ cháy, nổ; 138 vụ sự cố, tai nạn giao thông; 16 vụ tai nạn đuối nước; 4 vụ sự cố, tai nạn mắc kẹt trên cao, dưới sâu và 52 vụ các sự cố, tai nạn khác); cứu được 37 người; tìm được 37 thi thể nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý; hướng dẫn thoát nạn cho hơn 1.000 nghìn người bị mắc kẹt trong các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn ra nơi an toàn, tài sản cứu được khoảng trên 50 tỷ đồng. Mặc dù là một tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn nhưng 5 năm qua, tỉnh Sơn La đầu tư trên 75 tỷ đồng phục vụ các hoạt động về PCCC&CNCH.

Đối với loại hình kinh doanh karaoke, tỉnh Sơn La đang có 160 cơ sở, đa phần là cơ sở có quy mô nhỏ và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 160/160 (đạt 100%) cơ sở, quá trình kiểm tra, kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC&CNCH, tiến hành tạm đình 1 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 40 trường hợp vi phạm với số tiền trên 46 triệu đồng; các lực lượng chức năng đang tiến hành phúc tra việc khắc phục, sửa chữa những tồn tại, vi phạm, đảm bảo 100% cơ sở hoạt động kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện an toàn PCCC&CNCH.

Hưởng ứng Tháng An toàn phòng cháy, chữa cháy lần thứ 27 (tháng 10/2022) và ngày “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy” lần thứ 21 (ngày 4/10) năm nay, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND, yêu cầu các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, thành phố tổ chức các hoạt động PCCC hướng về cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và CNCH của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng cấp tỉnh năm 2022. Các sở, ngành, đơn vị cần phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc, bảo đảm tuyệt đối an toàn về lực lượng, phương tiện tham gia Hội thao.

Diễn tập PCCC&CNCH tại Khách sạn Mường Thanh Mộc Châu.

Tuy nhiên, trước tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân ở nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước hiểm họa cháy, nổ, tai nạn, sự cố trong giai đoạn hiện nay là rất cấp bách. Để chủ động phòng ngừa hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra trên địa bàn tỉnh, cần tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH các cấp nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác PCCC&CNCH đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến địa phương, cơ sở. Nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và đông đảo tầng lớp nhân dân, trong đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH là hạt nhân, lấy lực lượng PCCC tại chỗ làm nòng cốt trong công tác PCCC&CNCH.

Thứ hai, chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH đối với các cơ sở trọng điểm, khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, khu vui chơi giải trí tập trung đông người và cơ sở có nguy hiểm cao về cháy, nổ như: chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke… Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCCC&CNCH. Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không kịp thời khắc phục sơ hở, thiếu sót về PCCC và có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH, hướng dẫn các kỹ năng xử lý tình huống khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra bằng nhiều thứ tiếng, hình thức, thể loại phong phú đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện. Tổ chức tuyên truyền tập trung vào địa bàn đông dân cư, nhiều cơ sở nguy hiểm, cháy, nổ; xây dựng, nâng cao chất lượng và thu hút đông đảo đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên cơ sở tiến tới mở rộng địa bàn, đối tượng tuyên truyền hướng đến các vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC&CNCH gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. Nâng cao trình độ nhận thức, khả năng, năng lực của lực lượng PCCC tại chỗ đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy, CNCH ngay từ địa phương, cơ sở; góp phần kiềm chế số vụ cháy, nổ, ngăn chặn xảy ra cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Thứ năm, quan tâm đầu tư kinh phí đảm bảo công tác PCCC&CNCH trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có của địa phương, cơ sở và huy động các nguồn xã hội hoá theo quy định.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện; tiến hành sơ kết, tổng kết phong trào toàn dân PCCC&CNCH để kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các địa phương, đơn vị, cá nhân làm tốt công tác PCCC&CNCH.

Một số hoạt động PCCC&CNCH

Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH trao giải nhất, nhì, ba  cho các đội thi tham gia Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II - Cụm thi số 1 tại Sơn La.

Thành lập “tổ liên gia an toàn PCCC” thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở kinh doanh Karaoke trên địa bàn Thành phố 

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn cứu nạn cho cán bộ, nhân viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Các hộ dân bản Tân Ba, xã Gia Phù, huyện Phù Yên thực tập phương án chữa cháy tại khu dân cư. 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới