Đảm bảo an toàn cây xanh đô thị trong mùa mưa bão

Triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, gió giật gây gãy, đổ cây xanh trên địa bàn Thành phố, các sở, ngành, đơn vị chức năng đang tăng cường kiểm tra, xử lý cắt tỉa, hạ độ cao, chặt hạ cây có nguy cơ bật gốc, gãy đổ, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trên địa bàn Thành phố.

 

 

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La

cắt tỉa cây xanh tại khu vực chợ Rặng Tếch (Thành phố)

 

Thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Để giảm thiểu thiệt hại do cây đổ, cành gãy trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho nhân dân, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã, phường về việc tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh gãy đổ. Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các ngành, đơn vị và UBND xã, phường quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh gãy đổ; quản lý cây xanh đô thị và tăng cường kiểm soát, xử lý cắt tỉa cây xanh đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục tình trạng cây gãy, đổ, mất an toàn cho người dân..

 

Theo số liệu thống kê của Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 13.000 cây xanh các loại. Nhằm hạn chế cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão, Công ty đang chỉ đạo công nhân thực hiện cắt tỉa, chặt hạ cây xanh tại các tuyến đường trung tâm trên địa bàn Thành phố. Anh Nguyễn Công Định, Giám đốc Xí nghiệp cây xanh thuộc Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, nói: Để hạn chế thấp nhất những tổn thất do cây xanh có nguy cơ gãy đổ gây ra cho người và tài sản, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã rà soát trên địa bàn Thành phố có 176 cây ngả ra đường, có nguy cơ bật gốc và gãy đổ, với các loại cây chủ yếu là: Bằng lăng, long não, xà cừ, phượng, sấu, ngọc lan, ban đỏ, nhội, tếch... Hiện, hơn 100 cây có nguy cơ đã được công nhân của Công ty đốn tỉa. Ngoài ra, công nhân đã tiến hành cắt, tỉa cành, hạ thấp tán cây xanh tại một số tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.

 

 

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La

cắt tỉa cây xanh trên đường Tô Hiệu (Thành phố)

 

Ông Lê Văn Tuất, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, cho biết: Qua việc chỉnh trang đô thị, lát lại vỉa hè, chúng tôi nhận thấy rất nhiều cây xanh có phần rễ cây mọc lan và chồi lên mặt đất, để thi công lát vỉa hè đảm bảo mỹ quan đô thị, buộc phải chặt bớt phần rễ trồi lên, vì vậy tại các vị trí cây xanh có nguy cơ cao bị bật gốc, gẫy đổ khi mùa mưa bão đang tới gần, gây nguy hiểm cho người đi đường và người dân sống xung quanh, Công ty đang đề nghị cho chặt hạ và trồng thay thế. Tại các vị trí cây chặt hạ, những vị trí trống, Công ty đã kiến nghị trồng cây Sao đen trên tất cả các tuyến đường với lý do cây Sao đen là loại cây lâu năm, rễ cọc bám sâu, thân thẳng tạo tán, phù hợp với điệu kiện khí hậu thời tiết tại Thành phố Sơn La, cây sinh trưởng và phát triển tốt, chịu được mưa bão. Sau khi đưa vào thay thế  trồng mới, để dễ dàng quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị... Công ty đã đề xuất đưa công nghệ phần mềm ứng dụng vào quản lý cây xanh trên các tuyến phố thuộc địa bàn Thành phố.

 

Bên cạnh việc đôn đốc các đơn vị triển khai cắt tỉa cây xanh, UBND Thành phố còn yêu cầu các đơn vị chức năng có kế hoạch ứng trực, sẵn sàng xử lý các sự cố đột xuất, giải tỏa cây gãy, đổ sau mưa bão, bảo đảm phân luồng giao thông, duy trì chiếu sáng công cộng, kiểm tra, thay thế các cột, cần đèn chiếu sáng có nguy cơ gẫy đổ..., đảm bảo an toàn cho nhân dân trên địa bàn.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới