Đa lợi ích từ chuỗi giá trị nông sản an toàn

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã kịp thời thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, thích ứng an toàn và giữ vững thị trường bằng chất lượng sản phẩm, nhờ vậy, duy trì khá ổn định các chuỗi cung ứng nông, lâm sản của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Mô hình trồng cam canh của hộ ông Hàng A Sở, HTX nông sản sạch Mộc Châu, tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu.

Với khả năng thích ứng nhanh nhạy, những sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị hầu hết bảo đảm chất lượng, uy tín đối với người tiêu dùng, nên cơ bản vẫn giữ vững ổn định thị trường tiêu thụ trong môi trường cạnh tranh và ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển mới thêm 8 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nâng tổng số chuỗi cung ứng nông sản toàn tỉnh lên 204 chuỗi, trong đó có 197 chuỗi đang duy trì hoạt động, gồm 174 ha rau, hơn 2.400 ha cây ăn quả, gần 480 ha chè, cà phê, gần 37.000 con lợn, 6.000 con gà, gần 3.300 đàn ong và hơn 3.400 lồng cá, cung cấp hơn 46.800 tấn nông, lâm, thủy sản an toàn.

HTX rau an toàn tự nhiên, bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu là một trong những chuỗi cung ứng rau an toàn đầu tiên của tỉnh. Tiền thân là tổ hợp tác rau an toàn Tự Nhiên, liên kết sản xuất giữa 19 hộ trồng 9 ha rau một vụ. Bằng hình thức liên kết sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh, huyện tổ chức đã giúp HTX không ngừng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng các sản phẩm an toàn vào hệ thống siêu thị, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên. Năm 2021, với 38 thành viên, hơn 20 ha đất chuyên canh trồng rau màu các loại, theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ. Với thị trường tiêu thụ ổn định, đa dạng; các sản phẩm của HTX đều được cam kết bảo hiểm bằng các hợp đồng mua bán, nên dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng HTX vẫn duy trì sản xuất kinh doanh tương đối ổn định. Năm 2021, HTX đã sản xuất, cung ứng trên 1.000 tấn rau, củ, quả, tổng doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hương, thành viên HTX rau an toàn Tự Nhiên, chia sẻ: Tham gia HTX, gia đình tôi đã chuyển đổi 1 ha trồng ngô thương phẩm sang trồng rau màu quanh năm. Chúng tôi được HTX định hướng cơ cấu giống sản xuất theo nhu cầu đơn đặt hàng, hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ và cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm, chúng tôi không còn lo đầu ra cho sản phẩm. Năm 2021, tổng thu nhập đạt trên 300 triệu đồng.

Còn tại HTX nông sản sạch Mộc Châu, tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, HTX cũng được thành lập từ tổ hợp tác sản xuất trồng cây ăn quả tại địa phương. Đến nay, HTX đã có 9 thành viên, với trên 30 ha trồng cây ăn quả các loại. Ông Hàng A Sở, chia sẻ: Gia đình tôi chuyển đổi 7.000 m² đất trồng ngô sang trồng cam canh và tham gia HTX nông sản sạch Mộc Châu, được tư vấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và kết nối tiêu thụ. Sản phẩm cam có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn nên được thương lái đến tận vườn thu. Năm 2021, gia đình đã xuất bán 20 tấn cam canh, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, doanh thu đạt trên 600 triệu đồng.

Biến thách thức thành cơ hội, đó là hướng đi của HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Tham gia chuỗi cung ứng quả an toàn của tỉnh, HTX luôn chủ động thích ứng, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, trong điều kiện nhu cầu tiêu thụ quả tươi giảm, HTX đã đầu tư chế biến sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Lê Danh Phúc, Phó giám đốc HTX, chia sẻ: HTX hiện có 13 thành viên, với 37 ha nhãn ghép, sản lượng khoảng 300 tấn quả tươi/năm. Khi gặp khó về tiêu thụ sản phẩm quả tươi, các thành viên HTX đã đầu tư hệ thống lò sấy, chế biến toàn bộ nhãn quả tươi làm long nhãn. Long nhãn sấy khô, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt sản phẩm OCOP 3 sao, được bán tại các siêu thị VinMart Hà Nội, BigC Thăng Long và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc...

Mô hình sấy long nhãn của HTX dịch vụ nhãn chín muộn, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Tạo điều kiện để các chuỗi cung ứng nông sản hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm tại chỗ, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các huyện tiếp tục thực hiện 6 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm cấp tỉnh (quy mô liên huyện) giai đoạn 2020-2022, tổng quy mô 326,5 ha xoài GL4, cam chín muộn và lê VH6.

Việc xây dựng các chuỗi thực phẩm nông sản an toàn đã tạo tiền đề quan trọng cho chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản; làm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản về sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới