Cuộc sống mới trên núi Cây Lau

Pá Khôm là bản khó khăn nhất của xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, bản chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại, không có hệ thống nước sạch, 31/33 hộ thuộc diện hộ nghèo.

Một góc bản Pá Khôm, xã Mường Lựm, Yên Châu.

Từ năm 1999, bản Pá Khôm xảy ra tranh chấp đất sản xuất với cụm Sái Lậu, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, do liên quan đến địa giới hành chính 364 (khoảng 30 ha khu vực bãi Giằng Câu trên núi Cây Lau). Việc tranh chấp đất đai mâu thuẫn kéo dài, đã được cấp ủy, chính quyền 2 huyện Yên Châu và Mộc Châu vào cuộc giải quyết dứt điểm, mang lại cuộc sống bình yên trên núi Cây Lau.

 

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Bản Pá Khôm được hình thành năm 1952. Trước năm 1974, bản Pá Khôm chỉ có 15 hộ sinh sống, sau đó, một số hộ bản Pá Khôm chuyển về bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu sinh sống (cách nhau khoảng 7 km). Đến năm 2004 phát sinh tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính 364. Từ năm 2013 - 2015, việc tranh chấp trở nên gay gắt hơn khi người dân thường xuyên sang trồng ngô vào diện tích đất canh tác của nhau và có một số hành vi gây mất an ninh trật tự trên địa bàn... Thượng tá Nguyễn Xuân Hiến, Phó trưởng Công an huyện Yên Châu, cho biết: Nguyên nhân sâu xa là đời sống người dân quá khó khăn, chủ yếu trông chờ vào cây ngô, vì vậy nhu cầu đất sản xuất để đảm bảo đời sống là rất lớn, từ đó dẫn đến mâu thuẫn tranh chấp đất đai.

Từ vướng mắc và khó khăn của cơ sở, Ban Thường vụ huyện ủy Yên Châu đã phối hợp với Ban Thường vụ huyện ủy Mộc Châu họp bàn và tìm cách giải quyết, tháo gỡ. Tháng 2/2014, hai huyện đã mời Thường trực UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan đến thực địa, gặp gỡ hai xã để bàn hướng giải quyết. Sau đó, Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường và các sở ngành liên quan của tỉnh đã phối hợp với UBND hai huyện và 2 xã tổ chức nhiều chuyến đến thực địa, tháo gỡ từng vấn đề như xác định ranh giới giữa bản đồ và thực địa, đo đạc đất sản xuất của bản Pá Khôm và cụm Sái Lậu.

Một trong năm bể nước được xây dựng cho bản Pá Khôm.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Quản Thị Dung, Bí thư huyện ủy Yên Châu cho biết: Hướng giải quyết của Ban Thường vụ huyện ủy Yên Châu là tháo gỡ nguồn gốc sâu xa của vấn đề, tìm giải pháp xóa đói, giảm nghèo. Xác định vai trò quan trọng của tổ chức Đảng, tháng 4/2014, Huyện ủy quyết định tăng cường một đồng chí huyện ủy viên, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện vào làm Bí thư Đảng ủy xã Mường Lựm. Đảng ủy xã trực tiếp bố trí 2 đồng chí đảng ủy viên và một đồng chí đảng viên là cán bộ xã tham gia sinh hoạt tại chi bộ bản Pá Khôm để trực tiếp nắm tình hình kịp thời báo cáo với đảng ủy xã, huyện ủy và chỉ đạo tại bản. Ban Thường vụ huyện ủy cũng chỉ đạo Ban Dân vận huyện ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, hướng dẫn người dân chuyển đổi sản xuất từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả, canh tác lúa nước, phát triển chăn nuôi... Trước mắt, huyện cấp kinh phí để xây 5 bể chứa nước cho nhân dân, sửa đường lên khu kinh tế của bản là bãi Giằng Câu, hỗ trợ lương thực các hộ đói theo chính sách, Ban CHQS huyện hỗ trợ 4 hộ dân nghèo nuôi rẽ bò sinh sản, đến nay cả 4 con đều đã sinh bê con. Đoàn Thanh niên xã giúp bản xây dựng một lớp học mầm non từ nguồn vốn của Huyện đoàn. MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trực tiếp giúp dân trồng 3 ngàn cây sơn tra do huyện cấp kinh phí vào khu vực tranh chấp và tổ chức nhiều lần lên phát cỏ, chăm sóc cho cây... Những việc làm thiết thực đó đã từng bước góp phần ổn định tình hình khu vực tranh chấp nơi đây.

Những chuyển biến tích cực

Chỉ cách trung tâm xã Mường Lựm hơn 10 km, nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chiếc Uoát trở chúng tôi mới “chiến thắng” được con đường lổn nhổn đầy đá hộc để đến bản Pá Khôm. Vượt qua con dốc dựng đứng, bản Pá Khôm hiện ra với những mái nhà lợp Fibroximăng nằm rải rác trên những triền núi. Nhà của Bí thư Chi bộ bản Mùa A Lâu ở ngay đầu dốc. Rót nước mời khách, anh Lâu kể với chúng tôi về những thay đổi của người dân bản Pá Khôm hai năm lại đây. Đầu tiên là việc người dân biết làm ruộng nước. Anh Lâu bảo, có đường vào khu sản xuất, bà con làm máng, đào rãnh đưa nước xuống các hủm. Người Mông Pá Khôm trước kia chỉ biết làm nương, trồng cây ngô nên làm ruộng không quen, phải có cán bộ khuyến nông huyện, xã hướng dẫn. Khi được thu hoạch vụ đầu tiên, bà con ai cũng phấn khởi. Mảnh ruộng 3.000 m2 của tôi thu được  60 bao thóc (khoảng hai tấn) nên nhiều nhà bắt đầu học làm theo. Bây giờ, cả bản có hơn 10 gia đình đang làm được ruộng nước rồi. Mỗi hộ còn được hướng dẫn trồng vài chục cây nhãn, cây mận hậu, đào ao thả cá.

Đích thân anh Lâu lấy xe máy đưa tôi đi thăm bản Pá Khôm. Đầu tiên là khu vực đã xảy ra tranh chấp ở bãi Giằng Câu, trên mỏm đồi hình yên ngựa, những cây sơn tra được các đoàn thể của huyện Yên Châu lên trồng nay là rừng cộng đồng đã mọc cao quá đầu người. Một diện mạo mới, một cuộc sống mới đang từng ngày hiện hữu ở nơi đây, lấp loáng trong ánh nắng chiều là những thửa ruộng nước mới được khai hoang của các hộ trong bản. Trên thửa ruộng rộng hơn 2.000 m2 của gia đình anh Mùa A Chống rộn ràng tiếng cười, nói của mấy người cháu đến làm cỏ giúp. Nhìn những cô gái Mông còn lóng ngóng nhổ cỏ, nhưng tôi cảm nhận được sự thay đổi rất lớn trong suy nghĩ, việc làm của người dân Pá Khôm. Nhiều hộ dân trong bản cũng đã bắt đầu trồng các cây mận hậu, cam quýt trên đất dốc trồng ngô trước kia. Cả bản đang được hướng dẫn tập trung nuôi trâu, bò, dê, chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm nên số lượng đàn ngày càng tăng.

Khu vực bãi Giằng Câu, nơi tranh chấp trước kia được trồng cây sơn tra.

Cũng trong chuyến công tác, chúng tôi còn tìm đến cụm Sái Lậu, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu). Trao đổi với người dân nơi đây, được biết, huyện Mộc Châu cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành đúng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Huyện cũng đã mở đường đến cụm Sái Lậu tạo thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi, mua bán hàng hóa và phát triển kinh tế. Nói lại về chuyện tranh chấp đất canh tác với Pá Khôm, ông Mùa A Páo, cụm Sái Lậu, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) bảo: Ngày đó do mọi người không hiểu biết, cứ nghĩ địa giới hành chính 364 đến đâu là đất của mình đến đó, vì thế mà xảy ra tranh chấp, gây bức xúc với nhau. Bây giờ, cái bụng biết nghĩ, cái tay biết làm ruộng, trồng cây ăn quả, nên không còn muốn tranh giành đất trên núi cây Lau để trồng ngô nữa.

Qua vụ việc giải quyết tranh chấp đất sản xuất ở bản Pá Khôm và cụm Sái Lậu cho thấy rõ vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở. Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, trước hết là bố trí cán bộ nhiệt huyết, có năng lực sẽ giúp củng cố năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở. Chi bộ bản Pá Khôm đã được 2 đồng chí đảng ủy viên và một đồng chí đảng viên là cán bộ xã lên tham gia sinh hoạt, nâng số đảng viên của chi bộ lên 8 đồng chí, qua đó giúp chi bộ trở thành hạt nhân chính trị trong lãnh đạo ổn định tình hình của bản. Bên cạnh đó, trong xử lý các mâu thuẫn phát sinh ở cơ sở, Huyện ủy Yên Châu và Mộc Châu đã nắm chắc tình hình nhân dân, theo sát thực tế, tìm ra mấu chốt của vấn đề để giải quyết tận gốc, góp phần ổn định tình hình một cách lâu dài.

Chia tay bản Pá Khôm trong ánh nắng chiều đang vàng rực trên đỉnh Cây Lau. Đời sống của người dân nơi đây đang dần ổn định, tiến bộ từng ngày, con đường mới được mở rộng, các mô hình cây trồng đang được đưa vào Pá Khôm. Người dân nơi đây cũng đang háo hức chờ Chính phủ phê duyệt dự án đưa lưới điện quốc gia về bản. Khi có điện, chắc chắn cuộc sống của người dân sẽ còn đổi thay nhiều lắm.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới