Còn nhiều bất cập trong quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ

Tỉnh ta có hệ thống sông, suối với độ dốc lớn, là tiềm năng để phát triển thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, những bấp cập trong xây dựng, vận hành các nhà máy thủy điện nhỏ đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của người dân. Đây là bài toán hầu như chưa có lời giải đối với các cấp, các ngành và các địa phương.

Tồn tại nhiều bấp cập

Trước năm 2006, tỉnh ta chỉ có Nhà máy thủy điện Chiềng Ngàm công suất 2 MW, đủ để cấp điện cho một phần thị xã Sơn La lúc bấy giờ (nay là Thành phố). Từ đó đến nay, hệ thống thủy điện nhỏ ở tỉnh ta phát triển nhanh chóng. Tới năm 2018, toàn tỉnh có 65 nhà máy thủy điện nhỏ được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng công suất 800 MW; trong đó, 64 nhà máy được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và 47 nhà máy đã hoàn thành, phát điện, với tổng công suất lắp máy 526,9 MW, giá trị sản xuất khoảng 2.200 tỷ đồng; 11 nhà máy đang triển khai xây dựng với tổng công suất lắp máy 194,1 MW; 6 nhà máy đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư với tổng công suất lắp máy 75,5 MW. Giai đoạn 2011 - 2018, các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn nộp ngân sách nhà nước trên 1.290 tỷ đồng.

Nhà máy thủy điện To Buông tại xã Tú Nang (Yên Châu).

Là huyện có nhiều nhà máy thủy điện nhất tỉnh, Mường La hiện có 19 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ (14 nhà máy đã hoàn thành phát điện, 4 đang thi công và 1 chuẩn bị công tác đầu tư). Tổng diện tích đất sử dụng cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ 464,2 ha. Năm 2018, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã đóng góp cho ngân sách của huyện Mường La gần 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, xây dựng, các nhà máy thủy điện cũng gây ảnh hưởng đến đời sống dân cư, môi trường, làm thay đổi dòng chảy... Địa bàn xã Chiềng San và Chiềng Muôn hiện có tới 4 nhà máy thủy điện đang xây dựng và hoạt động; đất đá, chất thải đổ ra môi trường trong quá trình xây dựng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Anh Lò Văn Song (bản Chiến, xã Chiềng San) khá bức xúc: Phần lớn diện tích ruộng của gia đình tôi bị ảnh hưởng từ các bãi đổ thải của quá trình thi công thủy điện Nậm Chiến 2 và 3. Năm nào cũng vậy, cứ mùa mưa là đất đá từ các bãi đổ thải nằm ngay cạnh suối Nậm Chiến theo dòng nước đổ về vùi lấp diện tích ruộng lúa của gia đình tôi cùng nhiều hộ khác. Bà con trong bản cứ phải hứng chịu tình cảnh này mà không biết phải làm gì? Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Liên quan đến vấn đề đổ thải trong quá trình thi công các nhà máy thủy điện, huyện cũng đã tiến hành lập biên bản và xử phạt hành chính. Tuy nhiên, có thể do mức độ xử phạt hành chính không cao, chưa đủ sức răn đe nên các đơn vị vẫn cứ tái diễn tình trạng vi phạm.

Thi công xây dựng nhà máy thủy điện Chiềng Muôn (Mường La).

Còn tại huyện Yên Châu, mặc dù chỉ có 3 nhà máy thủy điện đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành, thế nhưng những bấp cập, tồn tại từ các nhà máy thủy điện cũng gây khó khăn tới cuộc sống người dân vùng dự án; nhất là tình trạng thiếu nước sản xuất, hệ thống đường giao thông xuống cấp, môi trường ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái vùng hạ du các đập. Bên cạnh đó, việc chặn dòng, nắn dòng và thay đổi quy luật dòng chảy cũng gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy điện To Buông tại xã Tú Nang, huyện Yên Châu, công ty khẳng định luôn tạo mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương và người dân sở tại, hỗ trợ nâng cấp công trình giao thông để người dân đi lại thuận tiện; thực hành đúng quy trình vận hành hồ chứa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu. Tuy nhiên, khi trao đổi với đồng chí Vì Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Tú Nang, thì được biết: Quá trình thi công nhà máy thủy điện To Buông gây hư hỏng nhiều đoạn đường. 3 năm qua, dù Công ty cổ phần Thủy điện To Buông đã nhiều lần hứa bồi hoàn hiện trạng con đường nhựa trước kia, song đến nay vẫn chưa sửa chữa. Do đường hỏng, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất... Mới đây nhất, lãnh đạo Công ty cam kết đến hết tháng 10 sẽ sửa chữa! 

Nhiều diện tích ruộng của người dân bản Chiến, xã Chiềng San (Mường La)

bị ảnh hưởng bởi các bãi đổ thải trong quá trình xây dựng thủy điện.

Tăng cường công tác quản lý

Để khắc phục các vướng mắc, hạn chế trong triển khai các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nâng cao chất lượng lập, thẩm định, đề xuất quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án bảo vệ đập, phương án vận hành hồ chứa, phương án cắm mốc hành lang hồ chứa, phòng chống lụt bão của các nhà máy thủy điện. Đối với các nhà máy đã phát điện, yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý đảm bảo đồng bộ công tác lãnh đạo, quản lý, kiểm tra để các chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong vận hành, sản xuất, kinh doanh và làm nghĩa vụ với Nhà nước, nhân dân sở tại. Đối với các dự án đang thi công, tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm chất lượng công trình; các cam kết về môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo tiến độ thi công công trình để sớm hoàn thành công trình đưa vào phát điện. Bên cạnh đó, việc khảo sát các vị trí tiềm năng để lập quy hoạch thủy điện phải do cơ quan tư vấn chức năng, đủ năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch thủy lợi, giao thông, phát triển điện lực và các quy hoạch khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các huyện, thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước, thực hiện cam kết khi tham gia đầu tư xây dựng và vận hành của các nhà máy thủy điện; đặc biệt là giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu của các nhà máy, đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong mùa khô; phối hợp chặt chẽ với các nhà máy thủy điện trong vận hành hệ thống hồ chứa để giảm thiểu thiệt hại, tác động do thiên tai, bão lũ gây ra, nhất là vào mùa mưa lũ.

Hiện nay, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã sử dụng trên 900 lao động thường xuyên vận hành nhà máy, thu nhập bình quân trên 80 triệu đồng/người/năm; phối hợp với các huyện, thành phố mở mới trên 200 km đường giao thông nông thôn, đầu tư cấp điện cho 526 hộ dân tại các bản chưa có điện; hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất. Không thể phủ nhận những đóng góp của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhưng để phát triển các thủy điện vừa và nhỏ một cách bền vững, các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện, trên cơ sở hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng với việc cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, giữa yêu cầu về phát triển kinh tế với môi trường và giữ gìn bản sắc dân tộc, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới