Co Mạ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc

Những năm qua, xã Co Mạ (Thuận Châu) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống.

Người dân bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu) trồng cỏ VA06 chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc.

Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp của xã chủ yếu là trồng cây lương thực ngắn ngày, chăn nuôi trâu, bò để kéo cày. Với lợi thế có địa hình là đồi núi, nhiều bãi chăn thả tự nhiên, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc, để khai thác tiềm năng đất đai, nguồn lao động dồi dào, xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển từ tập quán chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Cùng với các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xã đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn  ngân hàng để đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Các đoàn thể của xã tăng cường tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi của bà con, vận động người dân chăm sóc đàn gia súc, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đói, rét. Đến nay, đàn trâu, bò của xã có gần 2.500 con.

Anh Vừ Tòng Nếnh, bản Pha Khuông, là một trong những hộ điển hình trong phát triển chăn nuôi, hiện gia đình có hơn 20 con trâu, bò, vừa rồi gia đình anh bán 2 con, thu gần 50 triệu đồng. Còn anh Vừ Chờ Và, bản Láo Hả, có 18 con bò, mỗi năm thu nhập trên 30 triệu đồng từ chăn nuôi. Anh Và chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô trên nương. Nhận thấy việc chăn nuôi đại gia súc đem lại hiệu quả, gia đình tôi đã đầu tư mua con giống, làm chuồng và trồng 5.000 m2 cỏ voi VA06, nhờ vậy, đàn gia súc luôn phát triển tốt.

Từ những mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, phong trào phát triển chăn nuôi ở xã Co Mạ ngày càng được nhân rộng. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia súc theo mô hình gia trại với số lượng lớn hơn, mang lại thu nhập ổn định, điển hình như ông Thào Só Nhìa, bản Hua Ty; Lường Văn Bản, Lường Văn Thảnh, bản Mớ; Và Khua Lồng, bản Co Nghề B... mỗi gia đình đều có trên 10 con trâu, bò. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò, xã đã khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi 15 ha đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cỏ voi VA06. Bên cạnh đó, đặc thù là xã vùng núi cao, khí hậu giá lạnh, xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch bệnh, làm chuồng trại để che chắn, tránh gió lùa cho gia súc, đảm bảo đủ ấm trong mùa đông. Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp cùng với cán bộ khuyến nông, thú y chăn nuôi của huyện tập huấn và hướng dẫn nhân dân cách phòng chống đói rét và công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc.

Thời gian tới, xã Co Mạ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc; nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung, gắn với trồng cỏ, tạo bước đột phá, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, thúc đẩy kinh tế của xã ngày càng phát triển.

A Mua
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới