Chuyện về dòng họ Thào hiếu học

Về xã Long Hẹ (Thuận Châu) trong tiết trời ngày xuân ấm áp, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về dòng họ Thào hiếu học, nhiều người con ưu tú của dòng họ đã góp phần xây dựng quê hương bản mường ngày càng giàu đẹp.

 

Các gia đình trong dòng họ Thào luôn quan tâm việc học hành của con cháu.

Đến thăm gia đình ông Thào Pá Tông, bản Nặm Nhứ, xã Long Hẹ, Chi hội trưởng Chi hội dòng họ Thào hiếu học, tuổi đã ngoài 70 nhưng nhìn ông vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, bên ấm chè xuân ông Tông chia sẻ: Hiện nay, dòng họ Thào có 152 hộ, 820 nhân khẩu, cư trú tại các bản: Cha Mạy A, Cha Mạy B, Co Nhừ và Long Hẹ. Bên cạnh đó, một số người học hành thành đạt đang sinh sống ở thị trấn, thành phố nhưng thường xuyên về thăm quê ủng hộ cho quỹ khuyến học, khuyến tài của dòng họ. Việc học cũng như phát huy truyền thống cách mạng luôn được người trong dòng họ coi trọng...

Qua lời kể của ông Tông, chúng tôi được biết truyền thống hiếu học của dòng họ Thào có bề dày từ nhiều năm nay. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các ông Thào Khua Chỉnh, Thào Ngọc Lương, Thào Nhìa Di, Thào Nhìa Sếnh đã sớm học con chữ, giác ngộ cách mạng, tích cực vận động, tổ chức nhân dân giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ, lãnh đạo nhân dân giành được nhiều thắng lợi. Sau này, khi phong trào giáo dục của xã Long Hẹ chưa phát triển, nhận thức của người dân hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn, nhưng con em dòng họ Thào luôn được đến trường, đến lớp. Và nhiều người con của dòng họ đã biết chữ, theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, trở thành cán bộ, công chức, công tác tại các cơ quan của trung ương, tỉnh, huyện, xã. Đến nay, dòng họ Thào có 21 người đang công tác tại xã, 16 người công tác tại huyện, 12 người công tác tại tỉnh, trung ương, trong đó, 6 người học trên đại học, 40 người học đại học, 60 người học cao đẳng và trung cấp.

Không chỉ là tấm gương cho các dòng họ trong xã noi theo, họ Thào còn là dòng họ tiên phong xóa bỏ tư tưởng lạc hậu “trọng nam, khinh nữ”. Đã có thời, người dân ở xã mang nặng tư tưởng coi thường phụ nữ, con gái Mông lớn lên phải lấy chồng, chăm sóc con cái. Thế nhưng, họ Thào đã xóa bỏ suy nghĩ lạc hậu đó bằng việc cho con gái đến trường. Điển hình là chị Thào Thị Báu đã theo học tại Trường Thanh niên dân tộc khu Tây Bắc từ những năm 1975, khi đó cả trường chỉ có duy nhất một mình chị là học sinh nữ dân tộc Mông của xã Long Hẹ theo học tại trường. Nhưng với sự động viên của gia đình, dòng họ và nỗ lực của bản thân, chị Báu đã theo học và tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp rồi làm cán bộ của xã, của huyện. Đây được coi là mốc lịch sử quan trọng thể hiện sự quyết tâm của họ Thào và chính quyền xã trong thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ, đến nay tất cả các em gái người Mông ở xã được đến trường học hành.

Tại gia đình ông Thào Sáy Chu, nhìn những bằng khen, giấy khen của các con ông trong quá trình công tác được treo khắp nhà khiến chúng tôi rất cảm phục. Ông Chu kể: Xác định phải có kiến thức thì mới có cuộc sống tốt hơn nên dù khó khăn, gia đình luôn động viên, chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Hiện, 5 người con của tôi đang công tác tại UBND xã Long Hẹ, Co Mạ, Mường Bám, giáo viên Trường PTDTBT THCS Long Hẹ. Đây chính là món quà ý nghĩa nhất của các con giành cho cha mẹ.

Được biết, để duy trì hoạt động Chi hội, hằng năm, các gia đình trong dòng họ tổ chức gặp mặt ít nhất 2 lần tại nhà Chi hội trưởng Thào Pá Tông vào thời điểm Tết Nguyên đán và đầu năm mới. Trong các buổi sinh hoạt dòng họ đánh giá lại kết quả lao động, học tập, công tác của từng gia đình, từng người con, từ đó nêu gương sáng những người có thành tích đóng góp cho gia đình, dòng họ và xã hội; khen thưởng các con, cháu có thành tích cao trong học tập; phê bình những người còn nhiều yếu kém, khuyết điểm để rút kinh nghiệm; cắt cử, phân công, giao nhiệm vụ cho từng thành viên của dòng họ, đặc biệt những thành viên có học thức, có uy tín, có điều kiện kinh tế giúp đỡ những gia đình còn khó khăn, tạo điều kiện cho các cháu được đi học. Năm học 2016-2017, dòng họ Thào đã tổ chức tặng thưởng 25 cháu có thành tích xuất sắc, với tổng trị giá 2,5 triệu đồng; hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập.

Một mùa xuân mới đã về trên vùng cao Long Hẹ, tinh thần hiếu học chính là hành trang quý để con em họ Thào nói riêng và đồng bào các dân tộc trong huyện Thuận Châu nói chung nỗ lực vươn lên xóa bỏ đói nghèo, phát triển kinh tế xã hội.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới