Chuyện ở “Khu 99” Bắc Yên xưa

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân các dân tộc “Khu 99” (thuộc địa phận huyện Bắc Yên) đã ủng hộ lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, góp công, chung sức mở đường để các đoàn quân tiến về Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...

Một góc trung tâm xã Hang Chú (Bắc Yên) hôm nay.

Tự hào vùng đất mang tên “Khu 99”

 

Đã nhiều lần chúng tôi về công tác tại huyện Bắc Yên, đi trên đoạn đường mang tên “Khu 99” (từ dốc Cao Đa qua thị trấn Bắc Yên đến xã Phiêng Ban) - con số tưởng như khô khan nhưng lại là niềm tự hào của người dân huyện vùng cao Bắc Yên về một thời oanh liệt tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu thêm về ý nghĩa của con số 99, cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên đã giới thiệu chúng tôi đến gặp cụ Đinh Văn Tôn, cán bộ lão thành cách mạng, hiện đang trú tại Tiểu khu 1, thị trấn Bắc Yên. Cụ Tôn là một trong những cán bộ đầu tiên được Châu ủy Phù Yên thời kỳ đầu những năm 1950 giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở tại các xã Phiêng Ban, Song Pe, Mường Khoa, Pắc Ngà... xây dựng tuyến đường liên lạc, kết nối Phù Yên với Mường La, Mai Sơn và làm cầu nối giữa tỉnh Sơn La với Lai Châu, Yên Bái. Đồng thời, làm công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng cao đoàn kết, đi theo cách mạng, làm thất bại âm mưu thành lập xứ tự trị, hòng gây chia rẽ các dân tộc của bọn thực dân và tay sai.

Tuy tuổi đã cao, nhưng cụ Tôn vẫn còn nhớ nhiều câu chuyện trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn. Cụ bảo, thời kỳ đó xây dựng cơ sở tại các xã Hang Chú, Pắc Ngà không đơn giản, bởi đến được khu vực này, cán bộ của ta phải xuyên rừng, vượt núi trên những lối mòn, tránh đồn, bốt của địch. Để đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở vùng cao này, đầu năm 1950, tỉnh chỉ đạo thành lập Đội công tác Pắc Pắc (Đội công tác “Khu 99”), gồm 10 đội viên, do đồng chí Cầm Ngoan làm đội trưởng. Đội có nhiệm vụ nắm chắc tình hình địa bàn, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Thái, Mông đoàn kết chống thực dân Pháp xâm lược. Sau đó, một số cán bộ được tăng cường cho vùng cao Bắc Yên để thành lập “Khu kháng chiến 99”.

Cụ Đinh Văn Tôn và người thân bên những tấm Huân chương,

Huy hiệu cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng.

Theo giải thích của cụ Đinh Văn Tôn, mật hiệu 99 là cách quay ngược hai chữ P của 2 từ “Pắc Pắc”, vì thời kỳ đó, “Khu 99” nằm trong vùng kiểm soát của địch, việc đặt mật hiệu là để đảm bảo an toàn cho cán bộ kháng chiến hoạt động ngay trong vùng địch. Cùng với xây dựng cơ sở, việc xây dựng, phát triển Đảng là nhiệm vụ xuyên suốt, quyết định mọi thắng lợi của phong trào cách mạng địa phương, tháng 2/1951, Chi bộ Pắc Pắc (Chi bộ 99) ra đời gồm 4 đảng viên, Chi bộ vừa tiến hành Đại hội chi bộ để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện, vừa chỉ đạo việc phát triển cơ sở ở khắp các bản, vận động nhân dân tích cực tham gia chuẩn bị mọi mặt cho chiến trường; đồng thời, điều tra theo dõi, cung cấp tình hình địch ở các đồn bản Trai, Vạn Yên; đưa đường cho cán bộ vào vùng địch hậu... 

Câu chuyện của cụ Đinh Văn Tôn khiến chúng tôi háo hức về thăm xã Hang Chú - một trong những điểm hoạt động của “Khu kháng chiến 99” xưa. Đường về các xã vùng cao Bắc Yên sương mù thường phủ kín, thỉnh thoảng lại có những cơn mưa bất chợt. Ẩn trong làn sương mù là những rừng cây sơn tra xanh tốt. Chỉ sau hơn 2 giờ đồng hồ đi xe máy từ thị trấn Bắc Yên, chúng tôi đã có mặt tại Hang Chú, vậy mà trước đây nghe nói, muốn tới đây phải đi bộ, băng rừng vài ngày đường. Từ trụ sở UBND xã, thấp thoáng thấy đỉnh Phú Sa Phìn cao 2.879 m khuất sau những áng mây mờ, đỉnh núi được coi là một trong những “nóc nhà” của vùng Tây Bắc.

Theo giới thiệu của cán bộ văn hóa xã Hang Chú Mùa A Tu, chúng tôi đến thăm gia đình cụ Mùa Tồng Pao, từng là một trong những thanh niên trẻ được cán bộ “Khu 99” giác ngộ đi theo cách mạng. Đã gần 90 tuổi, nhưng khi nhắc đến những năm tháng oanh liệt xưa, cụ bỗng linh hoạt hẳn lên. Cụ nhớ khá rõ chuyện thống lý Mùa Chống Lầu, sau khi được giác ngộ đã đi theo cách mạng, thường xuyên giúp đỡ những người dân gặp khó khăn. Cụ Tồng Pao nói: Ngôi nhà của thống lý Mùa Chống Lầu ở ngay đầu bản. Khi giặc lùng bắt cán bộ ta hoạt động trên Hang Chú, thống lý đã giấu cán bộ trong nhà. Bị lục soát, tra hỏi, thống lý tuyệt đối không khai.

Cũng theo cụ Tồng Pao, để kiểm soát chặt hoạt động của cán bộ và chặn đường liên lạc từ Châu ủy về Hang Chú, Pắc Ngà sang Mường La và Mai Sơn, giặc cho xây dựng đồn trên đỉnh đồi cao nhất bản Hang Chú. Để giúp chúng tôi dễ dàng tìm hiểu, anh Tu trực tiếp làm “hoa tiêu” dẫn chúng tôi lên khu đồn cũ. Trải qua thời gian, dấu tích còn lại của khu đồn Pháp chỉ còn lại 3 cái hố lớn, hố lớn nhất là nơi ở của lính khố đỏ, 2 căn hầm còn lại là nơi giam giữ dân phu, lao dịch và những người bị nghi ngờ đi theo cách mạng.

Cuộc sống hôm nay nơi vùng quê cách mạng

Sau gần 70 năm giải phóng, bộ mặt của các xã thuộc “Khu 99” xưa hiện đã đổi thay rất nhiều, nhất là thay đổi cách nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Đồng bào dân tộc Mông đoàn kết, thực hiện tốt nội dung bản cam kết “5 có, 5 không”. Trên những thửa ruộng bậc thang, bà con đang khẩn trương thu hoạch lúa, nét mặt ai cũng ánh lên niềm vui vì năng suất lúa năm nay cao hơn, sản lượng lớn hơn, không chỉ giúp người dân có đảm bảo lương thực cho cả năm, mà còn cung cấp ra thị trường, có thêm thu nhập, mua sắm đồ dùng, nâng cao đời sống.

Người dân bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú nuôi nhốt trâu vỗ béo.

Đặc biệt, những sản vật đặc trưng của vùng cao Bắc Yên như chè Tà Xùa, rượu Hang Chú, rượu sơn tra... trước đây người dân chỉ sử dụng trong sinh hoạt, nay đã trở thành sản phẩm hàng hóa có tiếng, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Tìm hiểu được biết, từ những điều kiện sẵn có tại các địa phương, huyện Bắc Yên đã định hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi cho từng vùng, từng xã. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu táo sơn tra Bắc Yên, mở rộng diện tích cây chè Tà Xùa. Theo thống kê, tổng diện tích chè của huyện hiện có 178 ha (95 ha đã cho thu hoạch); trên 2.100 ha sơn tra, sản lượng trên 800 tấn/năm. Ngoài ra, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp trồng một số loại cây dưới tán rừng, người dân đã trồng gần 500 ha cây thảo quả, sản lượng khoảng 400 tấn quả/năm (giá bán từ 23.000-25.000 đồng/kg quả tươi, quả khô có giá 110.000 đồng/kg).

Chăn nuôi ở các xã thuộc “Khu 99” cũng từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, chăn nuôi tập trung và tăng quy mô đàn. Bà con các dân tộc đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuồng trại để nuôi gia súc nhốt chuồng; tiêm vắc-xin định kỳ phòng bệnh cho đàn vật nuôi; trồng cỏ lấy thức ăn chăn nuôi... đàn gia súc hiện có trên 3.000 con và khoảng 20.000 con gia cầm.

Phát triển trồng cây sơn tra ở bản Háng Chơ, xã Xím Vàng (Bắc Yên).

Điểm nhấn trong phát triển kinh tế ở các xã vùng cao huyện Bắc Yên phải là phát triển du lịch, dịch vụ du lịch. Đặc biệt, đã và đang khai thác hiệu quả hai điểm du lịch nổi tiếng: “Thiên đường mây Tà Xùa” và “Sống lưng khủng long” tại xã Háng Đồng. Qua thống kê, lượng du khách đến Bắc Yên tăng từ 28 nghìn lượt người năm 2017 lên trên 32 nghìn lượt năm 2018; đến hết tháng 9 năm nay đã đón trên 31 nghìn lượt du khách. Với những điểm du lịch mới được công bố, như: Hang A Phủ tại xã Hồng Ngài; hồ sen xã Hua Nhàn và bãi đá cổ xã Hang Chú..., chắc chắn Bắc Yên còn thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với địa phương.

Người dân Bắc Yên nói chung và người dân “Khu 99” năm xưa nói riêng luôn tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương. Niềm tự hào đó đã và đang trở thành động lực để Bắc Yên nhanh chóng vượt lên mọi khó khăn, bứt phá vươn lên xây dựng cuộc sống mới hôm nay.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới