Chuyển đổi số với giải pháp ATM mềm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà Nước Chi nhánh tỉnh Sơn La, toàn tỉnh Sơn La hiện có 65 máy ATM và 6 máy CDM (máy nộp, rút tiền tự động), hầu hết đặt tại Thành phố và trung tâm các huyện, khiến người dân gặp khó khi có nhu cầu nộp, rút tiền hay giao dịch từ xa. Từ nhu cầu của người dân, cần triển khai giải pháp ATM ứng dụng trên nền tảng số (ATM mềm) cho phép liên kết với các ngân hàng khác, có tính năng nạp, rút tiền từ các ngân hàng tại các điểm Bưu điện văn hóa xã trên toàn tỉnh. Đây là giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp để triển khai tại địa bàn miền núi.

                                       

Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo và đề xuất triển khai giải pháp ATM mềm.

             

Ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Tỉnh Sơn La có 204 xã, phường, thị trấn, nhưng địa bàn cấp xã hiện chưa có điểm ATM phục vụ cho người dân. Mỗi lần cần rút tiền, chuyển tiền, người dân các xã phải đi quãng đường hàng chục km đường để ra trung tâm huyện. Chính vì vậy, cần phải chuyển đổi số cho ATM. Sở đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai áp dụng giải pháp ATM mềm. Với giải pháp ATM mềm, người dân có thể dùng điện thoại di động thông minh và thực hiện các thao tác đơn giản từ app MB Bank, mở tài khoản bằng eKYC (phương thức xác thực, định danh người dùng từ xa, không cần người dân đến ngân hàng), liên kết ngân hàng thẻ ATM của ngân hàng bất kỳ (thuộc nhóm 40 ngân hàng đã liên kết với ngân hàng MB Bank) vào ứng dụng và nạp tiền.

             

Khi muốn rút tiền, người dùng sẽ tạo mã rút tiền, tại điểm bưu điện văn hóa xã, nhân viên sẽ quét mã rút tiền, kiểm tra thông tin khách hàng và xuất tiền. Dự kiến, giải pháp ATM mềm sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, trong quý III và IV năm 2022 triển khai khảo sát hiện trạng các điểm phục vụ bưu chính đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, vị trí địa điểm, mặt bằng phục vụ, thiết bị công nghệ thông tin, nhân sự... để triển khai thí điểm. Giai đoạn 2 trong năm 2023 sẽ đánh giá hiệu quả, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đầu tư trang thiết bị máy móc, hạ tầng làm việc đối với các điểm phục vụ bưu chính chưa đáp ứng để triển khai thực hiện.

             

Triển khai hiệu quả giải pháp ATM mềm, căn cứ thỏa thuận hợp tác giữa Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VIETNAM POST) triển khai dịch vụ nộp hoặc rút tiền mặt từ tài khoản thanh toán hay thẻ MB và các ngân hàng khác tại các Bưu cục của VIETNAM POST trên toàn quốc. Sở Thông tin & Truyền thông là đầu mối phối hợp với Ngân hàng TMCP Quân Đội Chi nhánh Sơn La triển khai phát triển App MBBank, tăng số lượng người dùng, bao phủ tại địa bàn thông qua việc thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng” với số lượng không giới hạn. Dự kiến, mỗi “Tổ công nghệ số cộng đồng” có 1 nhân viên chuyên trách của MB Sơn La chịu trách nhiệm hướng dẫn đào tạo, hỗ trợ quy trình 24/7 đảm bảo các thành viên thuần thục trong các thao tác mở tài khoản online (eKYC) giải đáp các vướng mắc phát sinh nếu có. Ngoài ra, các địa phương thành lập “Tổ chuyển đổi số cộng đồng”. Cụ thể, mỗi xã, phường, thị trấn cũng thành lập 1 Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã. Sau đó, xã lựa chọn tối thiểu 1 bản, tiểu khu, tổ dân phố để thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng tổ, bản, tiểu khu (cấp tổ). “Tổ chuyển đổi số cộng đồng” sẽ thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, dân trong thôn, bản, khu phố. Công tác quản lý, điều hành của “Tổ chuyển đổi số cộng đồng” được quản lý trên các nền tảng số Việt Nam miễn phí và thông dụng như Zalo.

             

Ông Phạm Tuấn Đạt, Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội Chi nhánh Sơn La, nói: Làm một phép tính với thực tế, toàn tỉnh có 204 xã, phường, thị trấn, kinh phí đầu tư mỗi cây ATM khoảng 500 triệu đồng, chi phí duy trì 200 triệu đồng/cây/năm, như vậy, cần tổng 300 tỷ đồng để có 200 cây ATM duy trì trong 5 năm. Con số đầu tư quá lớn. Vì vậy, đưa giải pháp ATM mềm vào hoạt động đang là giải pháp tối ưu.

             

Còn Bưu điện tỉnh, hiện có hơn 70 điểm Bưu điện văn hoá xã chuyển sang hoạt động đa dịch vụ, đó là phục vụ công ích và tổ chức phát triển kinh doanh. Trên nền tảng sẵn có, VNPost Sơn La đảm bảo cơ sở hạ tầng, vật chất tại các điểm mạng lưới sẵn sàng phục vụ người dân có nhu cầu đến nộp rút tiền.

             

Chuyển đổi số cho ATM mềm, sẽ đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng công chức, viên chức, người dân trên địa bản tỉnh, góp phần giải quyết khó khăn cho hàng trăm ngàn người dân vùng nông thôn không phải di chuyển hàng chục km đường rừng, núi để rút tiền. Thông qua đó, thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4, kinh tế số, cửa hàng số và giúp nhân dân thuận tiện chi tiêu, góp phần phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn.   

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới