Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Mô hình trồng lê của người dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Năm 2011, bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá trên địa bàn tỉnh mới đạt 1,61 tiêu chí/xã. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 40,1%.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Sơn La đã triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, dự án giảm nghèo triển khai các chương trình hỗ trợ giống, phân bón, xây dựng các mô hình chăn nuôi; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 34,4% (năm 2015) xuống còn 18,6% (năm 2020), bình quân giảm trên 3%/năm.

Tại các xã xây dựng nông thôn mới, tùy theo điều kiện, lợi thế, mỗi địa phương chọn giải pháp, hướng đi riêng cho bài toán tăng thu nhập bình quân đầu người. Theo ông Trương Hoa Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, huyện đã đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Lựa chọn cây trồng, con nuôi có lợi thế, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng xã, gắn với quy mô sản xuất tập trung để tạo sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu để tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh sơ chế, chế biến nông sản; tạo lập thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế và chủ lực của địa phương... Toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2021, để hoàn thành tiêu chí thu nhập, các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đảm bảo thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/năm. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức song các địa phương đã thể hiện quyết tâm trong hành trình nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của nông dân xã Mường Chùm (Mường La).

Đồng chí Hoàng Văn Sượng, Bí thư Đảng ủy xã Hua Păng (Mộc Châu), xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2021, cho biết: Đảng ủy xã đã chỉ đạo phân công mỗi một đảng viên giúp đỡ ít nhất một hộ nghèo. Theo đó, đã rà soát các hộ nghèo và tuyên truyền, hướng dẫn bà con tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi. Tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn nông dân thay đổi hình thức sản xuất theo hướng liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, xã có 1 HTX nông nghiệp, 2 tổ hợp tác trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi; có gần 400 ha cây ăn quả, trong đó đã có gần một nửa diện tích cho thu hoạch, mang lại thu nhập ổn định, số hộ nghèo giảm nhanh.

 

Tại huyện Yên Châu, để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản; đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp; triển khai các mô hình, đề tài ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Trong đó, Dự án hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm quả bưởi da xanh, liên kết 4 xã (Lóng Phiêng, Phiêng Khoài, Yên Sơn, Chiềng Sàng). Liên kết với Công ty Doveco triển khai thực hiện kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến. Phối hợp thực hiện các mô hình trồng 50 ha lê tại Yên Sơn, Phiêng Khoài, Lóng Phiêng; 100 ha xoài tại Chiềng Khoi, Mường Lựm, Tú Nang...

Mục tiêu đến cuối năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng các xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 54 xã; thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã còn lại tăng 1-2 tiêu chí. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các địa phương đang tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; củng cố, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX; đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép các chương trình hỗ trợ sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới