Chung tay bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em

Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 30 tháng 6 hằng năm, là đợt cao điểm truyền thông, vận động xã hội thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; thúc đẩy sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, gia đình và xã hội nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội để trẻ em được phát triển toàn diện. Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay được chọn là “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”.

                 

“Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” đang là vấn đề được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã dành nhiều thời gian để thảo luận báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, tình trạng xâm hại trẻ em đã và đang gia tăng đến mức đáng báo động, 5 năm qua, cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 8.400 vụ, với 8.700 trẻ em bị xâm hại, trong đó, hơn 4.600 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 cháu, trung bình 1 ngày 7 trẻ trở thành nạn nhân. Tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại khi ở một số địa phương đối tượng xâm hại trẻ em là người thân, người có quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Trước thực tế đó, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đặc biệt là các quy định của Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật hình sự; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, thông tin, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tổ chức các cuộc thi về chủ đề của tháng hành động, như: Tìm hiểu pháp luật về trẻ em, sáng tác, sân khâu hóa, tuyên truyền viên giỏi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao... nhằm đa dạng hóa tài liệu, hình thức tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

                 

Đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của các cấp ủy Đảng, các ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, gia đình, cộng đồng và các cá nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Tổ chức các lớp truyền thông tư vấn, tập huấn về kỹ năng làm cha, mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt là kỹ năng phòng ngừa, xử lý các hành vi, tình huống xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em. Tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp, tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề có liên quan và hướng dẫn trẻ em đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Hội đồng Đội các cấp phối hợp tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em, diễn đàn trẻ em các cấp, các chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng, bày tỏ ý kiến phù hợp với lứa tuổi và thực hiện tại địa phương để trẻ em học các kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, phát hiện tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình và vận động sự đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu về trẻ em nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, cơ sở vật chất, trang thiết bị vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc phối hợp triển khai thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, kịp thời xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em khi được phát hiện.

                 

Sinh thời, dù luôn bận việc nước nhưng Bác Hồ vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến thiếu niên và nhi đồng, bởi theo Bác, chính những thế hệ này sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Thực hiện lời dạy của Bác, các cấp, các ngành, địa phương và mỗi chúng ta hãy yêu thương, chăm sóc trẻ, tạo mọi điều kiện để trẻ được học hành, vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội ở địa phương. Đồng thời, mọi thành viên trong xã hội hãy tích cực tham gia các hoạt động ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi xâm hại trẻ em để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách và tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện, trở thành người công dân có ích cho xã hội.

 

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới