Chú trọng giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh

Nhiều năm nay, giáo dục lịch sử địa phương đã được ngành GD&ĐT đưa vào chương trình dạy học tại các trường học trên địa bàn tỉnh, không chỉ giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử của địa phương mà còn vun đắp tình yêu quê hương, rèn luyện đạo đức và lý tưởng cách mạng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

                                       

Học sinh Trường Mầm non Tô Hiệu (Thành phố) tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng Sơn La.

             

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức biên soạn bộ tài liệu phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương cho các trường học trên địa bàn tỉnh dành cho học sinh cấp THCS và THPT. Nội dung bám sát các giai đoạn phát triển của tỉnh, các sự kiện lịch sử, nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng tỉnh nhà. Số tiết học lịch sử địa phương được quy định cụ thể đối với từng lớp: Lớp 6 (1 tiết), lớp 7 (3 tiết), lớp 8 (1 tiết), lớp 9 (2 tiết), lớp 10 và lớp 11 (1 tiết), lớp 12 (2 tiết). Cùng với đó, các huyện, thành phố bổ sung thêm nội dung gắn với lịch sử của mỗi địa phương vào tài liệu chung, làm phong phú thêm chương trình giảng dạy ở các trường, giúp các em tiếp nhận kiến thức một cách thực tế, am hiểu tường tận về lịch sử ở chính mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên.

             

Tại huyện Mộc Châu, Ban Tuyên giáo huyện ủy đã chủ trì soạn thảo bộ tài liệu riêng về lịch sử huyện, bổ sung cho chương trình giáo dục lịch sử địa phương cùng với tài liệu chung của Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp. Nội dung nhấn mạnh về lịch sử truyền thống của huyện, nhất là những sự kiện gắn với các địa danh, di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Ông Ngô Ngọc Toàn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu, cho biết: Cùng với việc giảng dạy lịch sử địa phương, các nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ gắn với nội dung học tập trên lớp, nhất là những hoạt động thực tế, mang tính trải nghiệm, khuyến khích học sinh tự giác tìm hiểu về vấn đề đã học trên sách vở. Mỗi trường nhận đăng ký chăm sóc một di tích lịch sử địa phương, có địa điểm gần trường. Đơn cử như Trường Tiểu học &THCS Tây Tiến đăng ký chăm sóc Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ; Trường THCS 8/4 nhận chăm sóc Di tích lịch sử - văn hóa Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Mộc Châu; các trường học ở xã nhận chăm sóc nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của địa phương... Hằng tháng, học sinh phân công quét dọn, nhổ cỏ, dâng hương vào những ngày lễ lớn. Qua đó, các em hiểu về truyền thống lịch sử, thêm yêu quê hương đất nước và có ý thức hơn trong rèn luyện đạo đức, lối sống tốt, học tập tốt để trở thành công dân có ích.

             

Các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả. Các sự kiện lịch sử nổi bật được lựa chọn kỹ càng, biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để đưa vào nội dung chương trình giáo dục của bộ môn lịch sử cho các trường học trên địa bàn. Tại Trường THPT Tô Hiệu (Thành phố), giáo dục lịch sử địa phương được giảng dạy theo khung chương trình chung với quy định số tiết học cụ thể trong năm. Mang tên liệt sĩ Tô Hiệu, mỗi năm học, nhà trường có thêm các hoạt động giáo dục mang tính đặc thù để các em hiểu sâu sắc về ý nghĩa tên trường và thêm yêu mến, gắn bó với ngôi trường đang theo học. Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng nhà trường nói: Năm học 2020-2021, trường dự kiến sẽ tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về nhà cách mạng Tô Hiệu và lịch sử nhà trường nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Tô Hiệu. Đây sẽ là hoạt động thiết thực, góp thêm vào nội dung giảng dạy lịch sử địa phương tại trường.

             

Tuy chưa có tài liệu giáo dục lịch sử địa phương dành riêng cho cấp tiểu học, nhưng thay vào đó, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm hướng đến nội dung tương tự. Giáo dục lịch sử không chỉ bó gọn ở những tiết học trên lớp mà còn được lồng ghép trong nhiều hoạt động khác, như ngoại khóa tìm hiểu về lịch sử; tọa đàm, nói chuyện về truyền thống lịch sử cách mạng nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7; tổ chức hành trình về nguồn, tham quan các di dích lịch sử; hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ của đoàn thanh niên, liên đội các trường học... Thông qua những hoạt động này, học sinh không chỉ được tìm hiểu về lịch sử địa phương từ thực tế, thấu hiểu giá trị “uống nước nhớ nguồn”, khắc ghi sâu hơn bài học, bồi đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới