Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tăng cường giám sát các vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm

Chiều 16/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh (ĐBQH) đã tổ chức tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh khóa XIV năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, tuy mới chính thức đi vào hoạt động trong thời gian ngắn (4 tháng), với đa số đại biểu Quốc hội mới tham gia Quốc hội lần đầu, nhưng các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH Thành phố đã có nhiều nỗ lực, tích cực thực hiện trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH Thành phố đã đảm bảo các hoạt động (xây dựng pháp luật, giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân,…) theo đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động của Đoàn diễn ra thường xuyên, chú trọng đi vào những vấn đề trọng tâm của đời sống kinh tế xã hội mà cử tri quan tâm.

Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức 3 đợt tiếp xúc cử tri với 78 cuộc tiếp xúc cử tri, có trên 15.713 cử tri tham dự với 835 lượt ý kiến phát biểu. Qua đó, tổng hợp 246 ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; 417 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các ngành, các cấp TP. Hồ Chí Minh. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng đã tập hợp 57 văn bản trả lời của các Bộ, ngành Trung ương; Sở ngành thành phố gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện để thông báo trực tiếp cho cử tri. 

Bên cạnh đó, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố duy trì lịch tiếp công dân thường xuyên và đã tiếp nhận 494 đơn thư của cử tri Thành phố. Đến nay, đã xử lý 469 đơn đồng thời Đoàn ĐBQH Thành phố đã nhận được 151 văn bản phúc đáp của các cơ quan có thẩm quyền. Đối với một số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài từ những nhiệm kỳ trước, Thường trực Đoàn ĐBQH Thành phố đã tổ chức làm việc với các đơn vị liên quan để giám sát việc giải quyết khiếu nại của công dân.

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết cũng nêu rõ, trong thời gian qua, các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH Thành phố gắn bó, liên hệ chặt chẽ với cử tri; chuyển tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri thành phố đến nghị trường Quốc hội; chủ động nghiên cứu và tích cực tham gia thảo luận tại Nghị trường Quốc hội, có nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế với Quốc hội, Chính phủ trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng pháp luật. Đối với hoạt động giám sát, Chủ tịch nước cho rằng cần phải tiếp tục được nâng cao hơn nữa, cần lựa chọn ra vấn đề đột phá, nổi cộm, vấn đề mà dư luận đang quan tâm, vấn đề liên quan tới sự chỉ đạo của Trung ương…để giám sát có hiệu quả.

Song song đó, trong quá trình hoạt động, Đoàn ĐBQH Thành phố giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, các Sở, ngành và các quận huyện. Đồng thời Đoàn cũng chủ động phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát, khảo sát, hội thảo, hội nghị trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết cũng cho rằng, số lượng đơn thư Đoàn đại biểu Quốc hội nhận được của cử tri và chuyển cho các cơ quan chức năng từ đầu nhiệm kỳ đến nay khá lớn song số lượng văn bản trả lời còn ít, thời gian trả lời thường rất dài, gây khó khăn cho Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc phúc đáp đơn thư khiếu nại của công dân. Việc tổ chức thảo luận; ý kiến góp ý về các dự án Luật còn hạn chế; lượng thông tin còn dàn trải chưa sâu, mặt khác việc tiếp nhận tài liệu dự thảo Luật gửi về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội còn chậm trễ. 



Về chương trình công tác năm 2017, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã lên kế hoạch tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật sẽ thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4; tổ chức 4 nội dung khảo sát để nắm tình hình thực tiễn thi hành các luật Quốc hội sẽ cho ý kiến sửa đổi, bổ sung lần đầu tại kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 4; tham gia các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố.

Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Thường trực Đoàn tổ chức làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố với Ủy ban nhân dân Thành phố và các sở, ngành về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn Thành phố; các tổ đại biểu Quốc hội tổ chức làm việc với chính quyền địa phương về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại địa bàn ứng cử. Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố có kế hoạch phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện tổ chức 4 đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 và thứ 4, Quốc hội khóa XIV, tăng cường các cuộc tiếp xúc cử tri tại phường, xã, địa bàn dân cư.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, góp ý để hoạt động của Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt là trong công tác tiếp công dân, các đại biểu cho rằng thời gian tới phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, giải quyết các bức xúc của công dân tới nơi tới chốn.



Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đại biểu Quốc hội thuộc Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1 – TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao hoạt động của Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh trong thời gian qua đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới Đoàn ĐBQH Thành phố tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Cần nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp vào hoạt động chung của Quốc hội Khóa XIV.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, phải làm tốt hơn nữa trong xây dựng pháp luật. Mỗi đại biểu cần nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, đặc biệt là các dự án luật liên quan tới bộ máy nhà nước, phát triển kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân… Từ thực tiễn của Thành phố, Đoàn ĐBQH thành phố đưa ra những kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hơn những cơ chế, chính sách, luật pháp. 

Đối với công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư tố cáo, khiếu nại của cử tri, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục đổi mới và nâng cao công tác dân nguyện. Cần thực hiện tốt luật khiếu nại tố cáo, luật tiếp công dân, ghi nhận và phản ánh kịp thời những tâm tư, kiến nghị, đề xuất của nhân dân để giải quyết những vướng mắc, bức xúc trong xã hội, giúp người dân an tâm trong cuộc sống. 

Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước cũng cho rằng, cần phải đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp xúc cử tri, duy trì mối quan hệ thường xuyên với nhân dân, nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, kiến nghị kịp thời với các cơ quan chức năng những vấn đề bức xúc cần được giải quyết của người dân, không để các vấn đề bức xúc trong dân kéo dài, có như vậy mới góp phần ổn định xã hội. Việc tiếp xúc cử tri không chỉ ở nơi đại biểu quốc hội ứng cử mà cần mở rộng cả ở nơi cư trú, nơi công tác của đại biểu Quốc hội đồng thời cần tiếp xúc cử tri theo giới, theo chuyên đề, thậm chí cả ở nơi cử tri không ứng cử để nghe nhiều ý kiến của nhân dân hơn, phản ánh các kiến nghị của nhân dân sâu sắc hơn, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm, đóng góp công sức trí tuệ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn các chức năng cơ bản của Quốc hội; Đổi mới phương thức, quy trình tổ chức đóng góp ý kiến xây dựng luật ở địa phương, tổng hợp được nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các giới nhân dân. Trong hoạt động giám sát, lựa chọn những vấn đề giám sát thiết thực và có các kiến nghị cụ thể trong quá trình giám sát; chú trọng tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trong việc tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cần tăng cường các hoạt động khảo sát chuyên đề về các vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách để nắm thực trạng, có thông tin thiết thực, từ thực tiễn của Thành phố, cần quan tâm xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học tư vấn cho đại biểu Quốc hội để việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đạt hiệu quả cao. 

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tích cực có những đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của TP.Hồ Chí Minh. “Từ thực tiễn sinh động, phong phú của Thành phố, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội không chỉ đóng góp có hiệu quả cho những quyết sách lớn của đất nước tại Quốc hội, mà còn có những đóng góp, góp ý thẳng thắn cho các cấp chính quyền thành phố trong quản lý, điều hành, xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Đồng thời Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội thành phố và các quận, huyện tăng cường phối hợp, hỗ trợ, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề bức xúc từ thực tiễn thành phố cần kiến nghị với Trung ương để Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến tại kỳ họp Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới