Chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của thiên tai

Do địa hình bị chia cắt bởi núi cao và sông suối, hằng năm, Sơn La đều chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão hoặc rãnh thấp gây mưa vừa, mưa to đến rất to dẫn đến sạt lở đất, đá, ngập lụt cùng các loại thiên tai bất thường khác. Bởi vậy, các ngành, các địa phương, nhân dân cần đề cao cảnh giác, chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), đảm bảo tính mạng, tài sản.

 

Diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn tại xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp).

 

Theo thống kê, năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của cơn bão số 7 và số 13, xảy ra 9 đợt mưa to, lũ quét, 5 đợt gió lốc, mưa đá, 44 trận động đất và dư chấn đã làm 4 người chết, 12 người bị thương, 43 nhà thiệt hại hoàn toàn, phải di dời khẩn cấp 90 hộ; hơn 5.000 ha hoa màu, cây trồng bị thiệt hại, gây ra 95 điểm sạt lở... ước tính thiệt hại trên 219 tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong tỉnh.

Với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã quán triệt các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; giao nhiệm vụ, phân công cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trong tỉnh xây dựng phương án phòng, chống thiên tai của đơn vị; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư. Tổ chức kiểm tra hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn trước, trong và sau mùa mưa lũ; ban hành các quy trình vận hành hồ chứa. Các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; tổ chức diễn tập, tập huấn phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; rà soát, cắm thêm biển cảnh báo nâng tổng số biển cảnh báo trên địa bàn tỉnh lên 316 biển tại các khu vực dễ bị ngập lụt, xảy ra lũ quét..., góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

Bên cạnh đó, các địa phương đã thành lập các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, toàn tỉnh đã có trên 18.200 thành viên các đội xung kích, tiên phong tham gia công tác PCTT và TKCN, thường xuyên ứng trực cùng với nhân dân, giúp bà con kịp thời di chuyển đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả thiên tai. Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết: Năm 2021, huyện Mai Sơn tiếp tục chỉ đạo các xã kiện toàn, củng cố nâng cao năng lực hoạt động của 22 đội xung kích cấp xã, thị trấn và 327 đội xung kích các bản, tiểu khu, với gần 8.000 thành viên, lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, nông dân. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của lực lượng này, huyện Mai Sơn đề nghị các cấp, các ngành quan tâm tổ chức đào tạo, huấn luyện bài bản về kỹ năng PCTT và TKCN trong từng tình huống; trang bị các thiết bị bảo hộ và quan tâm động viên kịp thời, thường xuyên.

Từ năm 2018, tỉnh Sơn La đã triển khai rà soát các vùng, các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét; phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Sơn La đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong nội dung quy hoạch nêu rõ từng vùng, vị trí bản và một số bản có nguy cơ cao khi có mưa lũ, thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1:25.000 để UBND các huyện, thành phố theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai kịp thời xuống các xã. Trong năm 2020, đã triển khai thực hiện 2 dự án sắp xếp dân cư vùng thiên tai, với quy mô 194 hộ dân tại xã Liên Hòa, Quang Minh (Vân Hồ).

Năm 2021 dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường. Ông Vũ Thanh Long, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc thông tin: Từ tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 9 hàng năm. Thời điểm đầu mùa mưa thường xảy ra gió lốc, mưa đá cực đoan gây tốc mái, hư hỏng nhà cửa, dập nát hoa màu, cây cối. Từ giữa đến cuối mùa mưa là các tháng cao điểm thường có mưa to đến rất to gây lũ quét, sạt lở đất đá. Cùng với đó, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có khả năng xảy ra, đặc biệt hiện tượng giông, lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu ở các địa phương có địa hình dốc, thảm phủ thực vật yếu.

Trước những diễn biến thời tiết bất thường, khó lường, công tác PCTT và TKCN luôn được tỉnh ta coi là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Tiếp tục thực hiện phương châm: “Chủ động phòng, tránh - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong chủ động ứng phó với thiên tai; xây dựng phương án phòng chống bão lũ phù hợp với từng địa phương, đặc biệt chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ”. Công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo ứng phó PCTT&TKCN nhanh nhạy, kiên quyết, phù hợp với diễn biến thực tiễn; kịp thời huy động các nguồn lực, các lực lượng, phương tiện của các đơn vị.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới