Chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Những năm gần đây, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp theo chiều hướng cực đoan, trái quy luật, tần suất lớn. Với sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và hưởng ứng của nhân dân, công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đã từng bước nâng cao năng lực dự báo, chủ động ứng phó; khẩn trương, kịp thời khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.

Tính trong 5 năm 2017 - 2021, thiên tai đã làm chết 59 người, bị thương 63 người; 682 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 2.207 nhà phải di chuyển; tổng thiệt hại ước tính khoảng 4.775 tỷ đồng, đặc biệt là lũ quét, sạt lở nghiêm trọng trên diện rộng tại huyện Mường La, huyện Phù Yên và Vân Hồ (năm 2017); huyện Mộc Châu (năm 2018) gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, tác động xấu đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

             

Thi công kè suối Nặm La, đoạn phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La phục vụ công tác phòng, chống lũ.

             

Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các cấp ủy đảng, chính quyền toàn tỉnh xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là công tác thường xuyên và quan trọng, chỉ đạo tích hợp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng và các khu dân cư, đặc biệt trong các vùng hay xảy ra thiên tai. Chỉ đạo thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025” tỉnh Sơn La; tập trung thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

             

Các ngành và địa phương đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; phát huy vai trò của cộng đồng kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, tinh thần tương thân tương ái trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Củng cố kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; duy trì 204 đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, với tổng số 18.243 thành viên sẵn sàng tham gia ứng phó khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai.

             

 Hai năm qua, toàn tỉnh tổ chức 22 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 950 người; tổ chức 75 lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ, thực hành cứu hộ, cứu nạn, điều khiển phương tiện thủy nội địa cho 3.133 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và điện lực; tổ chức 48 cuộc diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó cháy rừng (4 cuộc cấp huyện và 44 cuộc diễn tập cấp xã trên địa bàn tỉnh).

             

Trên địa bàn tỉnh hiện có 179 trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Ngoài ra, có 43 đập, hồ chứa thủy điện và 27 đập, hồ chứa thủy lợi là đối tượng phải quan trắc khí tượng thủy văn đã được lắp đặt thiết bị và thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định. Triển khai công tác rà soát, cắm biển cảnh báo tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao rủi ro thiên tai tại khu vực dễ bị ngập lụt, xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực sụt lún, sạt lở bờ sông, suối.

             

Các cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống thiên tại từng bước được hoàn thiện. Các cấp, các ngành quan tâm đầu tư các nguồn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Tổng các nguồn kinh phí đã huy động cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2020 và 2021 là hơn 617 tỷ đồng, đã kịp thời hỗ trợ ổn định dân sinh; sửa chữa khắc phục tạm thời các công trình bị hư hỏng.

             

Tuy nhiên, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, thiên tai khó lường. Với điều kiện khí hậu tự nhiên tương đối khắc nghiệt, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, bị chia cắt mạnh, Sơn La chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều dạng thiên tai như: lũ quét, sạt lở, ngập lụt, gió lốc, mưa đá, giông sét, rét đậm rét hại, sương muối, hạn hán... Vùng xảy ra thiên tai chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu xa, đặc biệt khó khăn. Do vậy, các cấp ủy đảng cần tăng cường lãnh đạo chủ động các phương án cụ thể, phù hợp với từng địa bàn. Nhân dân cần đề cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo của cơ quan chức năng để chủ động, ứng phó các tình huống thiên tai.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới