Chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ

Ngày 22/5 hàng năm được Chính phủ quyết định chọn làm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai, nhằm khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

 

Vuốt vuốt mái tóc bạc, ông trung niên nhỏ nhẹ:

- Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, thường xảy ra các trận bão lớn, ngay từ xa xưa, ông cha ta đã hết sức quan tâm xây dựng các công trình trị thủy, hệ thống đê kè, mương phai, ao hồ chứa nước và điều tiết nước, nhằm đối phó với thiên tai, bão lũ, bảo vệ tính mạng, mùa màng, sản xuất và đời sống của người dân. Ngày nay, công tác phòng chống lụt bão càng được thực hiện một cách chuyên nghiệp, với phương châm “4 tại chỗ”, theo hướng xã hội hóa. Hằng năm, đều xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai một cách hiệu quả, tiết kiệm, huy động nhiều nguồn lực để phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại.

Khác hẳn mọi khi, anh chàng nhỏ thó sốt sắng:

- Trên thực tế, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác ngày càng gia tăng, diễn biến thời tiết, thủy văn ngày càng phức tạp. Những năm gần đây, thiên tai, lũ bão diễn biến hết sức bất thường, quy mô rộng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản, tính mạng của Nhà nước và nhân dân. Để hạn chế, các cấp, các ngành, các địa phương đã nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiết thực, lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống; thực hiện tốt phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng ngừa là chính”. 

Cạn chén trà, bác da ngăm ngăm nói như chuyên gia:

- Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải gắn với hoạt động chuyên môn; chủ động kiểm tra, đôn đốc, rà soát công tác này tại các đơn vị, địa phương, nhất là những địa bàn trọng điểm về bão lũ; thực hiện nghiêm túc công tác trực 24/24 giờ trong ngày, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với thiên tai, lụt bão, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, củng cố hệ thống đê kè, mương phai, xây dựng các hồ chứa nước điều tiết lũ; tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo; quy hoạch dân cư ổn định, an toàn; chuyển đổi mùa vụ thích hợp. Cùng với đó, tổ chức tập huấn, diễn tập, thực hành các phương án một cách khả thi, sát thực tế; kịp thời xử lý các sự cố, khắc phục nhanh hậu quả.

Xòe hai bàn tay, giọng ông trung niên đều đều:

- Chúng ta đang đối mặt với nhiều loại thiên tai: Áp thấp nhiệt đới, mưa bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, động đất...; dễ bị tổn thương nhất vẫn là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bởi có ít nguồn lực và khả năng dự báo, ứng phó, khắc phục rủi ro, thảm họa. Đối phó với thiên tai không chỉ là chống chọi lúc xảy ra, khắc phục khi đã diễn ra, mà còn phải là chuẩn bị tốt để không gây thiệt hại lớn. Thế nên, cần xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin, hệ thống cảnh báo, đánh giá rủi ro chuyên nghiệp, hiện đại; gắn nhiệm vụ phòng, chống thiên tai với các hoạt động kinh tế - xã hội; kiện toàn bộ máy, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; dự trữ đầy đủ nguồn hàng thiết yếu, nhất là nguồn điện, nước sinh hoạt, sắt thép, xi măng, xăng dầu... Đặc biệt, tăng cường xã hội hoá, nâng cao năng lực tự phòng ngừa, xây dựng lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, tinh nhuệ.

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới