Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa, nóng - lạnh thất thường, là điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển. Để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã và đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh, góp phần đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Phòng Huyết thanh (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu.

Năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 9 vụ dịch. Nhiều bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng so với năm 2015, như: Lỵ a míp 149 ca, viêm gan vi rút 253 ca, bệnh dại 6 ca mắc và tử vong, tay - chân - miệng 284 ca, lỵ trực trùng 295 ca... Hầu hết các vụ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trên địa bàn tỉnh đều được phát hiện sớm, nên dập tắt kịp thời, không lây lan rộng và kéo dài. Từ nguồn kinh phí của tỉnh cấp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức tập huấn, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh ở cơ sở; mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền được Trung tâm quan tâm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Phát gần 20 nghìn tờ rơi truyền thông về bệnh do vi rút Zika và não mô cầu; hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức lễ phát động “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”, với gần 79 nghìn lượt người tham gia. Công tác tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh cho trẻ luôn được chú trọng, với 96,2% số trẻ được tiêm đầy đủ các loại vắcxin phòng bệnh, 94,2% số trẻ tiêm phòng uốn ván sơ sinh, 95,6% số trẻ 18 tháng tuổi tiêm vắc xin phòng sởi - Rubela, 95,9% số trẻ 18 tháng tuổi tiêm DPT mũi 4 và 95,6% số trẻ tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản B...

Anh Lưu Đức Mỹ, cán bộ Khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) chia sẻ: Cứ đến thời điểm giao mùa, chúng tôi lại bận rộn hơn. Trung bình một tháng đi công tác cơ sở từ 10-15 ngày tại 12 huyện, thành phố để nắm bắt tình hình, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tuyến huyện, xã. Thực hiện phun hóa chất chủ động diệt côn trùng như ruồi, muỗi, rán tại các bản, trường học, khu chăn nuôi... ở các vùng nguy cơ dịch bệnh xảy ra.

Còn chị Nguyễn Thị Tươi, cán bộ Khoa Xét nghiệm vi sinh thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Tháng cao điểm, Khoa thực hiện xét nghiệm, phân tích 800 mẫu phẩm các loại. Riêng các mẫu bệnh phẩm thường gặp trong thời điểm giao mùa đông - xuân như bệnh viêm não, sởi, cúm, tay chân miệng, ho gà... chúng tôi phân tích, xét nghiệm trên 30 mẫu/tháng. Có mẫu chỉ vài giờ đồng hồ là cho kết quả, song cũng có mẫu phải mất từ 5-6 ngày; thậm chí có mẫu phẩm phải gửi về tuyến Trung ương để phân tích, xét nghiệm.

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng diễn biến phức tạp, như­ bệnh viêm não vi rút, số mắc tăng đột biến (riêng 2 tháng đầu năm 2017 là 14 ca, tăng 12 ca so cùng kỳ năm 2016). Trước thực tế trên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng các phương án để chủ động khi có dịch bệnh xảy ra. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh để điều trị cách ly kịp thời, không để dịch lan rộng. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; củng cố các đội cơ động phòng chống dịch, bệnh; thực hiện quy định thông tin báo dịch theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế ban hành về báo cáo tình hình dịch bệnh bằng phần mềm trực tuyến... Trung tâm đã thành lập 2 đội cơ động sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường truyền thông về dịch, bệnh, nhất là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng các bệnh: Viêm não vi rút, bệnh dại, uốn ván sơ sinh... để nhân dân chủ động phòng ngừa...

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới