Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa làm nương

Cứ ngoài Tết Nguyên đán trở ra, trên địa bàn tỉnh ta bước vào mùa khô hanh, đây chính là thời điểm bà con nhân dân các dân tộc tiến hành phát đốt nương rẫy, chuẩn bị gieo trồng các loại cây lương thực... bởi vậy, nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn hiện hữu.

Nhấp nhổm trên ghế, ông trung niên đưa ra vấn đề:

- Mùa khô ở tỉnh ta thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước kéo dài đến tháng 4 năm sau. Đây là thời điểm nông dân thu hoạch các loại nông sản, phát đốt nương rẫy, làm đất gieo trồng cây trồng cạn, chuẩn bị giống cây cho vụ trồng rừng mới, khai thác lâm sản và các sản phẩm dưới tán rừng... với các hoạt động kể trên, rất dễ xảy ra cháy rừng. Nguyên nhân thì rất nhiều: Do chủ quan, một số người dân địa phương tự ý đốt nương làm rẫy, đốt lửa bắt ong trong rừng, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng, thiếu kỹ năng, kỹ thuật phát đốt nương rẫy, sử dụng lửa bất cẩn, đốt thực bì, cỏ khô, rơm rạ gần rừng, không tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng...

Chủ tọa vừa ngừng lời, bác da ngăm ngăm tiếp ngay:

- Theo thống kê, hằng năm vào vụ làm nương, tỉnh ta vẫn xảy ra nhiều vụ cháy rừng, gây thiệt hại không chỉ rừng nguyên sinh, rừng trồng các loại, mà còn cả rừng sản xuất, rừng đặc dụng. Thế nên, ngoài tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR; các địa phương và chủ rừng cần chủ động bố trí lực lượng tuần tra, phát hiện và khống chế kịp thời các điểm cháy; củng cố, kiện toàn các tổ đội chuyên trách; bố trí tuần tra, canh gác 24/24 giờ. Đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, như: Trừ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; phạt bằng ngày công, tiền mặt; trồng lại rừng; không công nhận các danh hiệu thi đua; xét xử lưu động các vụ vi phạm tại các khu vực đông dân cư, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số... 

Thở dài, anh chàng nhỏ thó tỏ ra lo lắng:

- Khi bước vào vụ sản xuất nương rẫy, bà con ta thường tiến hành phát đốt ngay khi trời còn nắng nóng, rồi chờ mưa xuống để gieo trồng. Thời gian này, nhiệt độ thường phổ biến ở mức cao, khoảng từ 30-35oC nên nguy cơ xảy ra cháy là rất cao. Nguy hại hơn, nương rẫy của người dân lại thường đan xen với các loại rừng, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, trang thiết bị còn thiếu; huy động lực lượng tại chỗ với sự tham gia của chính quyền địa phương, chủ rừng và các lực lượng khác chậm, vẫn trông chờ hỗ trợ ứng cứu từ trên. Thậm chí, có địa phương diện tích rừng tự nhiên lớn nhưng công tác kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản, săn bắt động vật hoang dã, đào đãi sa khoáng trái phép... còn lỏng lẻo.

Như đã có chủ định, ông trung niên nói cứng:

- Chủ động phòng chống cháy rừng tại chỗ vẫn là biện pháp hữu hiệu. Cần củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo bảo vệ và PCCCR các cấp; tổ chức diễn tập theo phương châm “4 tại chỗ”; ứng dụng công nghệ thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và thông tin cấp độ cháy rừng; rà soát, kiểm tra, tu sửa, làm mới các biển báo hiệu cấp cháy rừng, biển cấm lửa, quy ước bảo vệ rừng tại các khu vực trọng điểm, rừng dễ cháy, nơi đông người qua lại, dọc đường giao thông, nơi tiếp giáp nương rẫy; hướng dẫn nhân dân nắm chắc các biện pháp, phương pháp PCCCR; tuân thủ nội dung bảo vệ rừng đã thống nhất ghi trong quy ước, hương ước; tiếp tục giao đất, giao rừng, khoanh nuôi bảo vệ; chi trả dịch vụ môi trường rừng, cải thiện sinh kế và thu nhập của người dân, gắn lợi ích với phòng cháy chữa cháy rừng; ký cam kết bảo vệ rừng giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; lực lượng kiểm lâm bám sát cơ sở, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân chủ động các phương án PCCCR, nhất là tại bốn khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ dọc sông Đà, rừng phòng hộ các đập thủy điện; khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng; nhân rộng mô hình quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; bổ sung lực lượng, phương tiện PCCCR cho các tổ đội chuyên trách... chắc chắn sẽ hạn chế vấn nạn cháy rừng phải không các chú?

Quang Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới