Chủ động, linh hoạt hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, chủ động xây dựng phương án, giải pháp quản lý và tổ chức dạy học thích hợp, hiệu quả, đảm bảo hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm học.

Trường PTDT bán trú tiểu học - THCS xã Hồng Ngài (Bắc Yên) được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ tốt việc dạy và học.

Nhìn lại năm học qua, với sự nỗ lực, gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh, toàn ngành đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Mạng lưới trường, lớp được kiện toàn và đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại, kiên cố hóa, dần tiến tới xóa bỏ phòng học bán kiên cố và phòng học tạm. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên không ngừng phát triển. Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông có sự chuyển biến, tiến bộ, đặc biệt với cấp THPT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 98,34%. Toàn tỉnh có 304 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 50,92%; hơn 1.200 học sinh giỏi THCS, THPT cấp tỉnh; 15 học sinh giỏi cấp quốc gia. Đây là những tín hiệu khả quan về những chuyển biến tích cực cả về chất và lượng của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 610 trường học các cấp, hơn 375.000 học sinh. Với chủ đề “Toàn ngành giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phương án tổ chức dạy học “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đồng thời, chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong nhà trường; bảo đảm công tác y tế tại trường học và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh, phụ huynh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Mục tiêu phải đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý và xã hội là trên hết, trước hết, Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh sẽ triển khai các giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương để tổ chức dạy học, đảm bảo đúng quy định và hoàn thành chương trình kế hoạch, nhiệm vụ năm học.

Trong năm học mới, Sở đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trường học tận dụng “thời gian vàng” để dạy học trực tiếp, đảm bảo tiến độ kế hoạch năm học đề ra. Các trường học đã tăng số buổi học trong tuần, tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp vừa truyền dạy kiến thức mới, chủ động ôn tập kỹ năng cho học sinh; linh hoạt điều chỉnh phân phối chương trình theo hướng ưu tiên các nội dung kiến thức trọng tâm để phát huy hình thức dạy học trực tiếp, sớm hoàn thành chương trình để có thời gian dự trữ trong năm học.

Tại huyện Phù Yên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hơn 28.000 học sinh của 68 trường học trên địa bàn bước vào năm học mới muộn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh gần 1 tháng. Phòng GD&ĐT huyện đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để bù đắp kiến thức cho học sinh, đảm bảo theo đúng chương trình. Bà Lường Thị Thắm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Yên, cho biết: Trong thời gian nghỉ phòng chống dịch, các trường đã tổ chức nhiều hình thức dạy học phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, như dạy trực tuyến, giao bài tập. Ngay sau khi trở lại học tập trung, chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường dạy thêm giờ vào tất cả các buổi chiều, dạy bù ngày nghỉ, đảm bảo kiến thức cho học sinh, hiện các trường đã đảm bảo theo đúng chương trình năm học đề ra.

Giờ học của cô và trò Trường tiểu học - THCS Chiềng Cọ (Thành phố).

Cùng với đó, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hình thức dạy học phù hợp theo cấp độ dịch bệnh với phương châm “Dừng đến trường, không dừng học”. Tổ chức thực diễn điểm các phương án dạy học khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số trường để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra những giải pháp phù hợp trong dạy học gián tiếp. Hiện nay, các trường phổ thông trong tỉnh đã hoàn thành thực diễn và đề xuất các tình huống dạy học phù hợp với điều kiện đơn vị, địa phương.

Ông Bùi Việt Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường La, thông tin: Toàn huyện có 24 trường tiểu học, tiểu học và THCS, với hơn 12.800 học sinh tham gia thực diễn dạy học trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số xã vùng 3 khó khăn, học sinh không có máy tính cũng thực diễn việc dạy học theo hình thức giao bài đến tận nhà, sẵn sàng các phương án khi dịch bệnh xảy ra.

Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Do đó, mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục phải là một pháo đài chống dịch. Mỗi giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ, đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua các khó khăn để thực hiện nhiệm vụ năm học. Bảo đảm đủ các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo để thích ứng linh hoạt và đáp ứng yêu cầu chuyển trạng thái hoạt động trong tình hình dịch diễn biến phức tạp. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới