Chủ động kiểm soát, phòng ngừa trong bảo vệ môi trường

Năm 2021 - năm đầu tiên tỉnh Sơn La thực hiện ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Các địa phương cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ký cam kết với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải, không xả chất thải chưa xử lý ra môi trường.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở chế biến cà phê tại huyện Mai Sơn.

 

Ngay sau khi ký cam kết, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã chủ động tổ chức triển khai các nội dung, thực hiện đầy đủ các quy chế phối hợp; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi sử dụng đất trái phép, xây dựng các công trình trên đất, lấn, chiếm, sử dụng không đúng mục đích, khai thác khoáng sản trái phép. Kết quả, năm 2021, các huyện, thành phố đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 231 vụ vi phạm về lĩnh vực đất đai, xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng; kiểm tra, phát hiện 3 tổ chức có hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường, xử phạt vi phạm hành chính trên 270 triệu đồng; kiểm tra, xử lý 4 vụ khai thác khoáng sản trái phép, trong đó, 1 vụ truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt 3 vụ vi phạm hành chính trên 500 triệu đồng.

Việc thực hiện cam kết có chuyển biến tích cực, khi các sở, ngành, địa phương thay đổi phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa. Kiên quyết kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động xả thải; đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục bằng hệ thống camera giám sát qua các thiết bị di động thông minh; kiên quyết xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm cục bộ; có biện pháp xử lý nghiêm, không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Các lĩnh vực về đất đai, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, khoáng sản, tài nguyên nước; việc thu gom, quản lý và xử lý chất thải rắn nông thôn tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh cấp 17 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước; hành nghề khoan nước dưới đất và điều chỉnh 1 giấy phép khai thác nước mặt; cấp 2 giấy phép thăm dò khoáng sản, 3 giấy phép khai thác khoáng sản. Hoàn thiện công bố, công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của 12 huyện, thành phố; tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện.

Sau 1 năm ký cam kết, đánh giá việc thực hiện ký cam kết, các đơn vị khai thác khoáng sản cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản, đất đai, môi trường và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, quá trình hoạt động khai thác khoáng sản còn tồn tại, hạn chế, như: Khai thác không đúng trình tự khai thác, hệ thống khai thác theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; một số dự án có sự thay đổi về tiến độ thực hiện hoặc nâng quy mô công suất làm tăng tác động xấu đến môi trường...

Trong lộ trình tiếp theo, ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm, quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Kịp thời xử lý các hành vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Tăng cường phối hợp trong công tác quy hoạch khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc duy trì và tăng cường đa dạng hóa các giải pháp thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn, đảm bảo duy trì và đạt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra về thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Một số ý kiến về việc chủ động kiểm soát, phòng ngừa trong bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Đắc Lực

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Năm 2022, đơn vị  xây dựng kế hoạch, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường; đảm bảo ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; không để xảy ra các điểm nóng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉnh việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và các lĩnh vực khác với các xã, huyện và tỉnh giáp ranh.

 

Phạm Thị Doan

Giám đốc Sở Công Thương

Với lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, phát triển các thủy điện nhỏ gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Chỉ quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ khi đảm bảo các điều kiện về khai thác tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên và môi trường sinh thái. Trong giai đoạn đầu tư, Sở phối hợp với các sở, ngành, các chủ đầu tư lập các dự án đảm bảo đánh giá yếu tố tác động môi trường, đề ra các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của dự án thủy điện đến môi trường.

 

Ông Lò Văn Sinh

Chủ tịch UBND huyện Sông Mã

Huyện Sông Mã đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc sử dụng đất đai của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Tăng cường kiểm tra, truy quét và xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tiếp tục triển khai các nội dung đã ký cam kết trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Anh Đỗ Xuân Hảo

Giám đốc Công ty TNHH Hữu Hảo Tây Bắc

Trong quá trình sản xuất, Công ty luôn đảm bảo an toàn cho người lao động và vệ sinh môi trường, đã xây dựng hệ thống thu gom, lắng nước thải; lắp đặt hệ thống máy bơm công suất lớn phun nước ngay tại các khu vực sản xuất đá, xử lý được ô nhiễm bụi đá. Công ty cũng quan tâm, đầu tư công nghệ khai thác, chế biến hiện đại, sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới