Chơi “họ” - chuyện chưa cũ

Từ lâu khi nghe đến chơi “họ”, “hụi”, “phường” (gọi chung là họ) ai cũng có thể hiểu đây là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh “họ” và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Mục đích chơi họ là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên và sinh lợi cho cá nhân có tài sản nhàn rỗi. Đây là hình thức huy động vốn được Nhà nước thừa nhận cho phép hoạt động, cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 471 Bộ Luật Dân sự 2015, Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 và Nghị định của Chính phủ số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ biêu, phường. Tuy nhiên, lợi dụng sự tin tưởng, nhiều chủ họ sau một thời gian huy động đã tuyên bố vỡ “họ, hụi phường”, khiến không ít người trắng tay, nhiều vụ thiệt hại cả chục tỷ đồng.

 

Nạn nhân bị vỡ hụi chia sẻ với phóng viên Báo Sơn La.

 

Đã 3 năm kể từ ngày bà Bùi Thị Hoa(*), tổ 1, phường Chiềng Lề (Thành phố) tuyên bố vỡ “họ” với số tiền hơn chục tỷ đồng, đến giờ nhiều người dân tham gia góp họ với bà Hoa vẫn chưa hết bức xúc vì không thể lấy lại được số tiền góp hụi. Hệ lụy của vụ vỡ họ này khiến vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng(*), tổ 1, phường Chiềng Lề cứ bị đeo đẳng trước thiệt hại lớn cả kinh tế và tinh thần. Ông Tùng, buồn rầu nói lại câu chuyện này trong uất ức: Vì tin tưởng cùng người thân quen với bà Hoa, muốn lãi suất cao, vợ chồng tôi đã bỏ ra 488 triệu đồng tham gia góp họ với bà Hoa từ cuối năm 2018. Mỗi tháng tham gia 4 dây họ với tổng số tiền 30 triệu đồng. Sau khi bà Hoa bán nhà, tôi mới được trả hơn 51 triệu đồng, vẫn còn hơn 400 triệu đồng nữa không biết bao giờ lấy lại được.

Trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Mơ(*), ở bản Lầu, phường Tô Hiệu. Chị Mơ, nói: Mỗi tháng, tôi đóng họ cho bà Hoa 13,5 triệu đồng từ số tiền chắt chiu buôn bán hàng ngày với hy vọng có thêm một khoản để trang trải. Khi bà Hoa vỡ “họ”, tôi đã đóng hơn 120 triệu đồng, vừa rồi tôi mới được trả lại hơn chục triệu đồng.

Thông tin từ những người tham gia đóng họ chia sẻ: Ban đầu, bà Hoa chỉ cầm một vài dây họ, rồi dần dần cầm đến gần 20 dây “họ”, người ít tiền thì góp từ 3 triệu đồng/dây, người nhiều tiền góp 10 triệu đồng; mỗi dây họ có 20-24 người tham gia. Chơi “họ” có lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng, nên có khá nhiều người buôn bán, kinh doanh tham gia; số tiền lãi suất chênh lệch thường là 1-2 triệu đồng/người/tháng/1 dây “họ”.

Cũng theo các nạn nhân, bà Hoa đứng ra làm chủ “họ” khoảng chục năm nay. Tin tưởng bà, lại là người thân quen, vì thế người chơi họ đều không có giấy tờ ràng buộc. Khi vỡ “họ”, bà Hoa trì hoãn, không trả, nhiều người bức xúc đã nộp đơn tố cáo bà Hoa lên cơ quan Công an. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, thì người chơi không có sổ sách ghi chép thời gian tham gia “họ”, giấy tờ biên nhận và chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền, mà chủ yếu giao dịch bằng miệng. Mặt khác, bà Hoa có nguyện vọng bán các tài sản để trả nợ cho những người tham gia chơi, nên vụ việc của bà Hoa không cấu thành tội phạm hình sự.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dây “họ” hoạt động kín đáo trong một nhóm người nhất định, hơn nữa, có những quy định về tiêu chí “ngầm” đối với người tham gia, như phải có mối quan hệ thân thiết, tin tưởng lẫn nhau. Do đó, nhiều người e ngại, sợ người thân biết mình chơi họ hoặc vẫn tin tưởng có thể đòi lại tiền... nên không dám trình báo cơ quan chức năng. Chỉ đến khi “chủ họ” tuyên bố không trả tiền, nhiều người chơi mới tìm đến cơ quan công an khai báo.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), cho biết: Tính chất hoạt động của “chơi họ” là huy động tiền, tài sản của những người tham gia nên đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm lợi dụng, như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng sau khi huy động được một lượng tài sản nhất định nảy sinh ý định chiếm đoạt, nên đã dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản; đến thời hạn thanh toán mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp, dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Trường Giang, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định, gồm: Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 và Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019  về họ, hụi, biêu, phường. Do vậy hoạt động chơi hụi không phải là hoạt động trái pháp luật vì thế đối tượng phạm tội có thể hoạt động công khai bằng vỏ bọc là thực hiện các hoạt động chơi hụi được pháp luật công nhận. Nên những người tham gia vào dây họ tin tưởng và dễ dàng góp tài sản mà không có sự phòng bị. Mặt khác, do tính chất bí mật, dựa trên niềm tin của các thành viên tham gia, nên đối tượng phạm tội có nhiều điều kiện để tiêu hủy tài liệu, chứng cứ huy động tiền, tài sản, gây khó khăn cho công tác điều tra. Tại tỉnh ta, những năm gần đây, chưa khởi tố vụ án hình sự nào liên quan đến hoạt động “chơi họ”. Tuy nhiên, đã có đơn tố giác của công dân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “chơi họ”, nhưng qua xác minh của cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, do không có đủ chứng cứ để định tội danh.

Trên thực tế việc hiểu biết, chấp hành quy định pháp luật của các “chủ họ” và người chơi còn nhiều hạn chế. Các “chủ họ” tổ chức chơi nhiều dây “họ” cùng một lúc, số tiền lớn, nhưng không báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về việc tổ chức dây “họ”. Mặt khác, khi “chơi họ”, người chơi đa phần không muốn lấy “họ” sớm, muốn nhận lãi suất trong suốt các kỳ mở “họ” cho đến kỳ “họ” kết thúc. Hoạt động tổ chức “họ” có lãi theo hình thức như trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ vỡ “họ”. Khi sự việc được tố cáo đến chính quyền địa phương, hoặc cơ quan chức năng, thì “chủ họ” đã không còn tài sản, hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Theo quy định tại khoản 2,3,4 Điều 471 Bộ Luật dân sự, việc tổ chức “họ” nhằm tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc tổ chức “họ” có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc tổ chức “họ” dưới hình thức cho vay nặng lãi. Do đó, để không trở thành nạn nhân của việc chơi “họ”, người dân cần hiểu rõ các quy định của pháp luật, chỉ tham gia khi thấy rõ sự an toàn và phải có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận rõ ràng, có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền, biết rõ người nhận “họ” sau mỗi lần góp “họ”; “chủ họ” có độ tin cậy cao, các thành viên biết rõ về nhau, “họ” không có lãi suất, hoặc lãi suất thấp. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về chơi họ để nhân dân hiểu rõ, tránh việc bị “chủ họ” dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền, tài sản q

 

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới