Chiềng Sung không còn tư tưởng chờ... sung

Không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên mà chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy nội lực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; xác định rõ vai trò, trách nhiệm và chủ thể trong thực hiện công việc. Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở xã Chiềng Sung (Mai Sơn) một lần nữa cho thấy sức mạnh khối đại đoàn kết, phát huy sức dân luôn và mãi mãi là “chìa khóa” để thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng quê hương đất nước.

Một góc trung tâm xã Chiềng Sung hôm nay.

Từng là xã kém về xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2010- 2015, Đảng ủy xã Chiềng Sung cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã, nhưng do thực hiện kém hiệu quả nên xã Chiềng Sung vẫn còn nhiều khó khăn, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo trên 20%; toàn bộ đường nội bản, đường nội đồng đều là đường đất; 3 bản chưa có đường ô tô đến; 3 bản chưa có điện lưới; 7/8 điểm trường mầm non là lớp học tạm tranh tre, nền đất; môi trường bị ô nhiễm do việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, còn nhốt động vật dưới gầm sàn; tỷ lệ hộ, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa thấp, toàn xã còn 2 bản chưa có nhà văn hóa, 14 bản có nhà văn hóa là nhà tạm, không đạt chuẩn,... Ông Quàng Văn Bình, bản Búc A, cho biết: Khi đó, ngoài kinh tế chậm phát triển thì tình hình an ninh trật tự cũng phức tạp, nhất là việc đơn thư khiếu nại, tệ nạn ma túy, cờ bạc...; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức cơ sở chưa hiệu quả; người dân chúng tôi chưa thực sự thấy được mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới nên thờ ơ, không vào cuộc. Nhiều người coi xây dựng nông thôn mới là của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan Nhà nước chứ không phải của nhân dân...

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Đồng chí Nguyễn Khắc Hào, Bí thư đảng ủy xã Chiềng Sung, cho biết: Sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ huyện ủy Mai Sơn, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Chiềng Sung xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới mục tiêu cao nhất là “Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”. Trên cơ sở định hướng, Đảng ủy xã, các chi bộ trực thuộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ngay các công việc cụ thể, như: Đảng ủy xã ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo với 64 thành viên; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; định kỳ tổ chức họp, hội ý hằng tuần, hằng tháng, hằng quý... để đánh giá kết quả triển khai và giải quyết vướng mắc phát sinh. Tại cơ sở, các chi bộ đưa nội dung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm; nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, huy động sự tham gia tích cực của các đoàn thể ở bản làm đơn vị hạt nhân, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm trong hành động. Xã tổ chức cho cán bộ chủ chốt của xã, của bản đi học tập các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phát động phong trào sâu rộng trong hội viên, đoàn viên tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, lấy kết quả thực hiện các phong trào thi đua để bình xét cuối năm. Lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng làm tốt công tác xã hội hóa; kêu gọi, giới thiệu cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn hợp tác hình thành chuỗi sản xuất những cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: chanh leo, thanh long ruột đỏ, ngô giống...

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện và giáo viên của xã Chiềng Sung giúp hộ nghèo làm nhà ở bản Cà Nam.

 

Khi có sự đồng thuận, đồng lòng thì các chủ trương, nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống. Người dân Chiềng Sung đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra theo định hướng của xã. Từ 2015 đến năm 2018, toàn xã đã chuyển đổi trồng trên 470 ha cây ăn quả (110 ha cây chanh leo, 12 ha cây thanh long ruột đỏ, 150 ha xoài, 175 ha nhãn, 2 ha bơ, còn lại là các cây ăn quả khác); trồng trên 200 ha bí 2 vụ, 475 ha ngô giống (diện tích ngô thương phẩm năm 2016 của xã là trên 1.500 ha, đến năm 2018 chỉ còn trên 900 ha),... Xã đã tạo được phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn, hình thành các vùng cây trồng chủ lực của xã (vùng trồng cây chanh leo, vùng trồng cây ngô giống, vùng cây ăn quả.); tạo được phong trào thâm canh tăng vụ (diện tích cây trồng vụ thu năm 2018 là 960 ha/2.138 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 45%). Nhờ vậy, đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 274 hộ (18,73%), cận nghèo 31 hộ (2,12%), thì đến năm 2018 hộ nghèo còn 108 hộ (7,34%), cận nghèo 50 hộ (3,4%); xã đưa 4/6 bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn...

Các hộ dân được hỗ trợ cây giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Đảng ủy xã đã chỉ đạo tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn, theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đầu tư” để tập trung thi công các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn, phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong 3 năm (từ năm 2015 dến 2018), đã xây dựng được 12 nhà văn hóa đạt chuẩn (nâng tổng số bản có nhà văn hóa đạt chuẩn lên 23/26 bản); huy động các tổ chức, cá nhân tài trợ xã hội hóa làm được 9 lớp học, 7 công trình nhà vệ sinh tại 7 điểm trường mầm non trên địa bàn xã, trị giá trên 1,6 tỷ đồng (hiện xã Chiềng Sung có 100% lớp học của các bậc đều được kiên cố hóa, 100% các điểm trường đều có công trình vệ sinh tự hoại); xã hội hóa kéo điện lưới quốc gia cho nhân dân bản Nà Lầu trị giá trên 200 triệu đồng (nâng số bản có điện lưới quốc gia lên 24/26 bản); huy động làm được 7,88 km đường bê tông theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, làm được 2,65 km đường bê tông nội bản bằng nguồn vốn Chương trình 135 cho 4 bản đặc biệt khó khăn, trị giá hơn 6 tỷ đồng; sử dụng nguồn vốn kết dư của xã mở đường vào bản Pả Cu dài 2 km trị giá 82 triệu đồng; sử dụng nguồn vốn duy tu bảo dưỡng mở đường, bê tông hóa 110 m đường vào bãi rác trị giá 80 trìệu đồng; xã hội hóa mắc điện thắp sáng dọc đường nội bản cho 13/26 bản trên địa bàn; xã hội hóa thành lập tổ thu gom rác trên địa bàn cho 12 bản dọc tuyến tỉnh lộ 110a...

Ngày thứ 7 về cơ sở

Chúng tôi đã được chứng kiến 1 ngày thứ 7 vô cùng ý nghĩa và cảm động trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Chiềng Sung. Tuy vừa chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2, nhưng mọi người vẫn tham gia rất sôi nổi. Đó là sự nhiệt tình, trách nhiệm của hơn 100 hộ dân bản Búc A, B khi được huy động ra làm vệ sinh môi trường nhà văn hóa bản; là sự giúp đỡ rất chân tình, thiết thực của các tổ chức đoàn thể đối với gia đình anh Quàng Văn Thanh, Quàng Văn Chơ ở bản Chặm Cẳng thực hiện đào hố ủ phân chuồng đảm bảo tiêu chí VSMT; hay việc dựng nhà mới cho anh Thào A Chống, hộ nghèo ở bản Cà Nam; hướng dẫn kỹ thuật về chiết ghép cây trồng ở nhà anh Tòng Văn Bình, bản Thống Nhất...

Được biết, từ tháng 4 năm 2018, thực hiện chủ trương của huyện Mai Sơn, Đảng ủy xã Chiềng Sung đã ban hành kế hoạch tổ chức “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới”, thành lập 7 nhóm công tác phối hợp với các phòng, ban, đơn vị của huyện để phụ trách 26 bản. Thứ 7 hàng tuần, tổ công tác đến từng bản, từng gia đình được phân công để giúp đỡ, hướng dẫn nhân dân hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt. Sau gần 1 năm triển khai, đã huy động được trên 8.500 ngày công, kêu gọi tổ chức, cá nhân ủng hộ 550 triệu đồng xoá được 31 nhà dột nát, hỗ trợ 76 hộ bê tông hoá nền nhà trị giá 150 triệu đồng, xoá được 1 lớp học tạm cùa trường mầm non tại bản Thống Nhất trị giá 105 triệu đồng; kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ 65 ti vi cùng đầu chảo hỗ trợ cho các hộ bản đặc biệt khó khăn; làm được 114 nhà tiêu hợp vệ sinh; hướng dẫn người dân đào 392 hố rác để giữ gìn vệ sinh môi trường; vận động 16 hộ dân làm chuồng nuôi, đưa gia súc ra khỏi gầm nhà sàn; chỉnh trang dọn dẹp nhà cửa cho 411 hộ gia đình; cải tạo vườn tạp chiết ghép cây ăn quả cho 70 hộ dân; tổ chức trồng 1.736 cây phân tán; trồng 2 ha rừng...

Thay cho lời kết

Đồng chí Tòng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện xã đã hoàn thành 16 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và đang tập trung cao thực hiện 3 tiêu chí chưa đạt với các giải pháp cụ thể, như: Tiêu chí về đường giao thông sẽ tập trung chỉ đạo nhân dân chuẩn bị triển khai thi công 6,7 km đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 77 của HĐND tỉnh; tiêu chí về nhà ở sẽ tập trung huy động các nguồn lực, xã hội hóa xóa 11 nhà dột nát và 53 nhà chưa đạt chuẩn vì còn nền đất; tiêu chí về văn hóa xã sẽ tập trung chỉ đạo các bản thực hiện, phấn đấu hết năm 2019 sẽ có trên 70% số bản đạt chuẩn văn hóa theo quy định và quyết tâm trong năm 2019, Chiềng Sung sẽ cán đích nông thôn mới...

Chiềng Sung đã và đang đạt được những kết quả tích cực xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ xã, các chi bộ bản đã xác định đúng vai trò, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả. Người dân được tuyên truyền, vận động để hiểu được vai trò chủ thể của mình, bởi mục tiêu cao nhất của chương trình là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từ đó người dân đã tích cực, tự nguyện tham gia thực hiện. Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở Chiềng Sung sẽ là kinh nghiệm để nhiều địa phương nghiên cứu, áp dụng làm theo.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới