Chiềng Sại tìm hướng thoát nghèo

Giữa tháng 10 này, chúng tôi có dịp trở lại vùng lòng hồ sông Đà để đến với vùng đất xã Chiềng Sại (Bắc Yên). Là một trong 6 xã nằm dọc sông Đà của huyện cách đây hơn 30 năm đã thực hiện cuộc di vén giải phóng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Nỗ lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc nơi đây đang từng ngày vươn lên để sớm thoát nghèo.

Người dân bản Nà Dòn, xã Chiềng Sại (Bắc Yên) phát triển cây ăn quả.

 

Từ bến Song Pe, sau 2 tiếng xuôi thuyền về phía hạ lưu, bến Nà Dòn hiện ra phía trước với cảnh thuyền bè tấp nập, con đường bê tông nối dài đến Trung tâm xã. Chiềng Sại là xã vùng 3, nơi sinh sống của 3 dân tộc Mường, Thái, Mông. Người dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế và phát huy tối đa nội lực để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhằm nâng cao đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Trong câu chuyện tìm hướng thoát nghèo của xã, Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Ngoãn, cho hay: Chúng tôi đã tập trung lãnh, chỉ đạo vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tích cực thi đua lao động sản xuất và gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để phát triển kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra nhận ủy thác của ngân hàng giúp hội viên có vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ hiện gần 27 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho bà con...

Từ định hướng phát triển kinh tế của xã, nhân dân các bản đã tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ đó mà gần 1.100 ha đất sản xuất nông nghiệp đã cho tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 10.000 tấn, bảo đảm an ninh lương thực. Bên cạnh đó, nhân dân đã chuyển đổi trồng được hơn 540 ha cây ăn quả các loại, trên 225 ha rau màu các loại; duy trì và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với gần 6.000 con gia súc, gần 16.000 con gia cầm các loại; trồng 44 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản 50 ha ao cá. Xã có hơn 20 mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập trên 350 triệu đồng/năm.

Bản Nà Dòn luôn có phong trào phát triển kinh tế đi đầu của xã Chiềng Sại. Ông Đinh Văn Nông, Trưởng bản, cho biết: Bản chú trọng tuyên truyền, vận động người dân trong bản áp dụng các biện pháp kỹ thuật và đưa những loại cây, con có năng suất, chất lượng vào sản xuất để tăng giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện bản có 157 hộ, đang canh tác 210 ha đất nông nghiệp, trồng 60 ha cây ăn quả, nhãn, xoài, bưởi; chăn nuôi gần 1.100 con gia súc các loại, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Trong 2 năm qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân, nhưng xã Chiềng Sại vẫn đảm bảo được phát triển sản xuất, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, đời sống người dân ngày càng được nâng lên; bình quân mỗi năm giảm 3% số hộ nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 25%. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 6/6 bản có nhà văn hóa; 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; xã đạt 12/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Văn hóa - xã hội được quan tâm chú trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định...

Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Chiềng Sại nhiệm kỳ 2020-2025, Chiềng Sại đang tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án và huy động nội lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; ưu tiên vốn cho sản xuất; tiếp tục chỉ đạo nhân dân khai thác lợi thế, tận dụng mặt nước để đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang thâm canh các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế, để nâng cao thu nhập, từng bước đưa Chiềng Sại vươn lên xoá nghèo bền vững.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới