"Chìa khóa" xây dựng lòng tin về uy tín, chất lượng nông sản

Bắt đầu từ năm 2019, tất cả các thị trường xuất khẩu nông sản chính của nước ta đều yêu cầu các sản phẩm phải có mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tỉnh Sơn La đã đi trước, đón đầu việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và cấp mã số vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, doanh nghiệp, HTX, người sản xuất tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Nông dân xã Hát Lót (Mai Sơn) bao gói xoài.

 

Vườn nhãn của HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu được đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động, vùng trồng xuất khẩu có gắn camera giám sát quá trình sản xuất. HTX hiện có hơn 80 ha nhãn đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; trong đó, có 60 ha nhãn đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2017 và 2018. Vụ nhãn năm 2018, HTX đã xuất khẩu hơn 1 tấn nhãn đầu tiên đi Mỹ. Năm 2020, xuất khẩu hơn 300 tấn nhãn đi Trung Quốc với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg quả, cao gấp 2 lần giá bán trong nước. Anh Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam cho biết: HTX luôn quán triệt các thành viên phải thực hiện tốt việc sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP và duy trì mã số vùng trồng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ông Dương Gia Định, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Từ năm 2016 trở về trước, tình trạng sử dụng thuốc BVTV không đúng quy trình và việc vứt vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng diễn ra phổ biến. Vì vậy, toàn tỉnh không có diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Bước ngoặt lớn nhất là ngày 24/5/2017, UBND tỉnh đã ký kết biên bản hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn và triển khai cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu; phối hợp hỗ trợ mở cửa thị trường cho quả tươi của Sơn La xuất khẩu.

Theo đó, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn người dân thực hiện ghi chép quy trình chăm sóc vườn cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng các loại thuốc BVTV có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và đảm bảo không sử dụng các hoạt chất cấm theo yêu cầu của nước nhập khẩu; tuân thủ quy định về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng: "Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp" theo hướng dẫn của nhà sản xuất và thời gian cách ly, đảm bảo dư lượng không vượt ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu. Chi cục đã sử dụng một phần ngân sách và huy động các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ủng hộ tổ chức chương trình đổi vỏ bao gói thuốc BVTV lấy thực phẩm. Triển khai đặt các bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV ở tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới trong tỉnh, giúp nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp an toàn.

 

Nông dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) chăm sóc vườn nhãn.

Đến nay, tỉnh Sơn La đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 181 mã số vùng trồng với diện tích hơn 4.700 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; trong đó, có 130 mã vùng trồng hơn 4.270 ha cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 51 mã số vùng trồng 430 ha cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ... Có 9 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ, tăng 8 sản phẩm so với năm 2016; trong đó, quả xoài tròn Yên Châu đã được cấp chỉ dẫn địa lý và 8 nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Cam Phù Yên; nhãn Sông Mã; táo sơn tra Sơn La; na Mai Sơn; bơ Mộc Châu; chuối Yên Châu; mận Sơn La; chanh leo Sơn La. Đã liên kết được 123 chuỗi sản xuất và tiêu thụ quả với tổng diện tích hơn 2.390 ha, tăng 115 chuỗi so với năm 2016; sản lượng đạt 24.388 tấn/năm.

Ông Vũ Quang Phúc, Cán bộ Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thông tin: Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, bắt đầu từ năm 2019, Trung Quốc đã đóng tất cả các đường mòn, lối mở và việc xuất khẩu nông sản phải thực hiện theo đường chính ngạch với yêu cầu tất cả các sản phẩm phải thực hiện kiểm dịch thực vật, có mã số vùng trồng và bao bì, nhãn mác đầy đủ. Người sản xuất cần nghiên cứu rõ các yêu cầu của thị trường xuất khẩu gồm: Danh mục thuốc BVTV cho phép sử dụng; quy trình sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP; mã số vùng trồng… Đặc biệt là khuyến cáo người dân không được mượn mã số vùng trồng của hộ sản xuất khác để xuất khẩu. Vì khi bị phát hiện sản phẩm không đạt yêu cầu, mã số vùng trồng đó sẽ bị nước nhập khẩu hủy và phải mất 3 năm sau mới làm lại được.

Việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là "chìa khóa" trong việc xây dựng lòng tin về uy tín, chất lượng nông sản, giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất theo hướng an toàn, tiếp tục duy trì thói quen ghi nhật ký sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và khi đã đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của nước nhập khẩu, chúng ta có quyền lựa chọn cung cấp những đơn hàng cho thị trường với mức giá cạnh tranh có lợi.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới