Tiêm vaccine COVID-19 tại tỉnh An Huy của Trung Quốc, ngày 16/5/2021. (Ảnh: Xinhua) 

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 17/5 cho thấy, hiện toàn thế giới có 142.161.325 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.154.807 ca bệnh đang điều trị thì có 18.052.329 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 102.478 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới. 

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 46.086.397 trường hợp, trong đó có 1.049.384 ca tử vong và 41.855.303 ca được điều trị khỏi. Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh đã khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước trong khu vực có nhiều cải thiện. Anh vừa thông báo đã đạt được cột mốc quan trọng trong tiêm phòng COVID-19 khi cuối tuần qua, quốc gia này hoàn thành mục tiêu tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh cho 20 triệu người trưởng thành, tương đương 38,2% tổng số người trưởng thành tại nước này. Trong khi Bồ Đào Nha sẽ mở cửa đón du khách từ tất cả các nước Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 17/5. Theo đó, du khách từ 26 quốc gia thuộc khu vực tự do đi lại Schengen và Anh sẽ có thể tới thăm Bồ Đào Nha vì bất kỳ lý do gì, kể cả những chuyến thăm không cần thiết.

Hiện Bắc Mỹ có 39.203.981 ca nhiễm bệnh, trong đó có 878.736 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 33.715.951 ca nhiễm và 600.147 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 17/5, Nam Mỹ có 26.784.064 ca nhiễm COVID-19, với 728.708 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 15.627.475; 3.307.285; 3.118.426; 1.884.596… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 46.837.615 trường hợp, với 608.224 ca tử vong và 41.210.533 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 5.018.858 ca bệnh đang điều trị thì có 32.788 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước  “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 24.964.925 ca, trong đó có 274.411 ca tử vong.

Hiện Ấn Độ đang đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng để đẩy lùi làn sóng thứ 2 của dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ tại đất nước này, tuy nhiên, công việc này đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn cung vaccine. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, dù là quốc gia sản xuất vaccine nhiều nhất thế giới, Ấn Độ mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 2,9% dân số, tương đương hơn 40,4 triệu người. Theo Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan, nguồn cung vaccine của Ấn Độ sẽ tăng lên 516 triệu liều vào tháng 7 và hơn 2 tỷ liều trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12, chủ yếu đến từ nguồn sản xuất nội địa và nhập khẩu bổ sung từ nước ngoài.

Trong khi đó, Singapore đang trải qua đợt lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng trong gần một năm trở lại đây với 13 ổ dịch mới, đe dọa ý định dần mở cửa trở lại của nước này. Trong cuộc họp tối 16/5, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhận định chính quyền nước này sẽ phải theo dõi thêm tình hình lây lan của COVID-19 trước khi quyết định về đợt phong tỏa lần thứ hai.

Còn tình hình dịch bệnh tại Malaysia cũng không sáng sủa hơn khi nước này bị cảnh báo có thể trở thành nơi bùng phát và lây lan một số biến thể "siêu lây nhiễm" của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các biến thể này hiện vẫn chưa được các cơ quan y tế nước này chú ý đến. Giáo sư, Tiến sĩ Sazaly Abu Bakar - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Malaysia khẳng định, hiện nước này vẫn chưa có đủ dữ liệu và kết quả nghiên cứu về các chủng virus địa phương và cách duy nhất để nước này giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch là tạo ra những bước đột phá về điều trị.

Tính đến sáng 17/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.730.374 trường hợp, trong đó có 126.652 ca tử vong và 4.262.058 ca bình phục. Trong tổng số 341.664 ca đang điều trị thì có 2.992 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.613.728 ca nhiễm COVID-19 và 55.210 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong những giờ qua, châu Đại Dương có thêm 8 ca nhiễm COVID-19, với 3 ca tại Australia, 5 ca tại New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 65.924 ca nhiễm và 1.225 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.978 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.815 ca./.