Chàng trai 8X đam mê khởi nghiệp

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những nhận xét về chàng trai Phạm Thanh Lâm (sinh năm 1989), Giám đốc HTX Tranh gạo Sơn La, ở tổ 8, phường Chiềng Sinh (Thành phố).

Khởi nghiệp từ làm tranh gạo

Ấn tượng của chúng tôi về Lâm là chàng trai thư sinh với nụ cười thân thiện. Qua trò chuyện, được biết Lâm tốt nghiệp khoa Sinh - Hóa (Trường Đại học Tây Bắc) năm 2014; cũng đã nhiều lần cầm hồ sơ đi xin việc nhưng không thành; vậy là anh quyết định thực hiện niềm đam mê hội họa từ nhỏ, thử sức với những thể loại tranh mới trên thị trường, trong đó có tranh gạo, mà gạo là loại nguyên liệu dễ tìm, dễ mua, ở Sơn La chưa có ai sản xuất dòng tranh này. Thời gian đầu, anh tự mày mò, tìm những clip hướng dẫn cách làm tranh gạo trên mạng để nghiên cứu, tìm hiểu quy trình, kỹ thuật rang gạo, rồi tạo màu, ghép tranh... sau rất nhiều thất bại, loại bỏ kha khá những bức tranh không đạt chuẩn, Lâm mới dần hiểu và đúc kết được kỹ thuật làm tranh gạo, nhất là kỹ thuật rang gạo. Hiện, anh đã tạo được hơn 30 màu khác nhau, dựa trên tông màu chủ đạo là trắng, vàng, đen.

Phạm Thanh Lâm giới thiệu những bức tranh gạo được trưng bày và bán tại nhà sàn ẩm thực dân tộc.

Tranh gạo là sản phẩm nghệ thuật làm thủ công hoàn toàn nên để hoàn thiện một tác phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên phải lựa được những hạt gạo có kích thước dài, mẩy đều, bóng chắc. Sau đó, tạo màu cho hạt rồi đưa vào xử lý nhiệt bằng cách rang gạo trực tiếp bằng tay. Đây là khâu khó nhất, đòi hỏi khéo léo, tỉ mẩn và kiên nhẫn; khi rang phải đều tay, nhỏ lửa mới được màu như ý; tùy từng thời gian rang gạo mà được các màu đậm nhạt khác nhau; riêng màu đen phải rang đến 6 tiếng. Tiếp đó, phác hình trên gỗ, rồi gắn gạo lên hình vẽ và dùng keo chuyên dụng gắn từng hạt gạo theo các chi tiết, sao cho vừa có độ trùng khít, đúng tông màu chủ đạo lại vừa tự nhiên. Cuối cùng là xử lý hóa chất chống mối mọt, đảm bảo tranh có tuổi thọ lâu bền (độ bền màu lên tới 15 năm). Tranh gạo làm xong đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời cho tới khi khô hoàn toàn, đặt vào khung gỗ, lắp mặt kính; lúc này tác phẩm đã hoàn chỉnh. Tranh gạo của Lâm rất đa dạng, nhiều thể loại: Phong cảnh, phong thủy, chân dung, thư pháp... và còn đặt làm theo yêu cầu của khách. Hiện, tranh gạo đã có mặt tại các điểm du lịch của Mộc Châu, Thành phố, Hà Nội và bán online trên mạng. Ngoài ra, tranh gạo với phong cảnh về thiên nhiên, con người Sơn La được nhiều khách hàng yêu thích, mua làm quà lưu niệm sang các nước Lào, Nhật Bản..., góp phần giới thiệu, quảng bá con người, quê hương của Sơn La và Việt Nam đến với bạn bè quốc tế theo cách mới.

Đến phát triển thành lập HTX đa ngành nghề

Sau 3 năm làm tranh gạo, không đáp ứng kịp các đơn đặt hàng, tháng 8/2017, Lâm quyết định thành lập HTX Tranh gạo Sơn La với 7 thành viên là đoàn viên sinh sống tại tổ 8, phường Chiềng Sinh. Đến nay, các thành viên của HTX đã hoàn thành hàng nghìn tác phẩm (mỗi năm trung bình ghép hơn 1 nghìn bức tranh), đủ kích cỡ từ 30 x 30cm đến 1,2m x 2,4m, giá cả dao động trong khoảng 500.000 - 10 triệu đồng/bức (bộ). Trực tiếp chứng kiến các thành viên trong HTX làm tranh gạo mới thấy, từ những hạt gạo tưởng như vô tri vô giác, dưới đôi bàn tay khéo léo của các thành viên đã trở thành những bức tranh vô cùng sống động, có hồn. Bắt chuyện với Lò Văn Khuê (sinh năm 2000), thành viên HTX, em chia sẻ: Khi em học lớp 12, thấy anh Lâm làm tranh gạo, em thích lắm bởi bản thân cũng rất đam mê, yêu thích hội họa. Tốt nghiệp THPT, em không thi đại học mà xin vào làm tại HTX, mức thu nhập của em hiện tại ổn định 5 triệu đồng/tháng.

Không dừng lại sản xuất tranh gạo, với mục tiêu phát triển HTX đa ngành nghề, cũng trong năm 2017, trên diện tích 3.000 m², HTX mở nhà hàng nhà sàn chuyên phục vụ ẩm thực dân tộc, tổ chức các sự kiện, sinh nhật, liên hoan khi thực khách có nhu cầu. Thấy nhiều du khách đến Sơn La rất ưa thích món gia vị chẳm chéo Tây Bắc, anh vận động các thành viên làm thêm sản phẩm chẳm chéo khô bán tại các điểm du lịch ở Mộc Châu (trung bình bán được 7 nghìn lọ/năm với giá 35 nghìn đồng/lọ). Với hương vị đặc trưng, thơm, ngon, nên chẳm chéo của HTX được nhiều khách chọn mua về thưởng thức và làm quà.

Phát huy tinh thần thanh niên lập thân, lập nghiệp, bằng sự đam mê, kiên trì, quyết tâm, chàng thanh niên trẻ Phạm Thanh Lâm đã đầu tư, khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, bước đầu gặt hái được thành công. Qua đó, còn khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay, trở thành tấm gương tiêu biểu trong số những thanh niên nông thôn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần tạo việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên và người dân địa phương.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới