Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 là “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12 trên phạm vi cả nước nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Đây cũng là dịp để mỗi cấp uỷ, chính quyền, mỗi tổ chức, cá nhân, mỗi gia đình nâng cao nhận thức và hành động trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình.

Những năm qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động của chương trình hành động bình đẳng giới giai đoạn 2011–2020. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đồng thời, quan tâm thực hiện Nghị quyết số 11–NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các chính sách liên quan đến phụ nữ; triển khai nhiều hoạt động thiết thực tạo điều kiện để phụ nữ tham gia. Toàn tỉnh duy trì hoạt động 142 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, với trên 3.000 cộng tác viên tham gia, 336 CLB gia đình phát triển bền vững, 336 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, nâng tỷ lệ xã, phường có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình lên 54,9%. Hoạt động của các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về tác hại của bạo lực gia đình và hình thành ý thức phòng, chống bạo lực gia đình, thi đua xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Tuy nhiên, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn đang là vấn đề nóng trên toàn cầu, theo báo cáo của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, cứ 3 phụ nữ trên thế giới thì có một người sẽ trở thành đối tượng của bạo lực giới. Còn theo điều tra của LHQ, tại Việt Nam, 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực tại một số thời điểm trong đời. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Tại Sơn La, từ năm 2016 đến đầu năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 227 vụ bạo lực gia đình. Đối tượng thực hiện hành vi thường là người ruột thịt, quen biết. Hình thức chủ yếu là bạo lực thân thể, tinh thần, xâm hại tình dục.

Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của tỉnh. Do đó, chúng ta phải ngăn chặn bạo lực trong gia đình, tại trường học, nơi công cộng và nơi làm việc trước khi xảy ra; thay đổi những định kiến về giới, để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trở thành những tác nhân thay đổi trong nhận thức về bình đẳng giới. Trước hết, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương cần thực hiện đồng bộ lồng ghép hiệu quả công tác bình đẳng giới với các chương trình mục tiêu khác, đưa các nội dung của công tác phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các đơn vị, địa phương. Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới ở các cấp, các ngành và trong các tầng lớp nhân dân. Duy trì và nhân rộng các mô hình như: câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ gia đình không sinh con thứ 3... Đẩy mạnh và khuyến khích hơn nữa nam giới tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về việc thực hiện hoạt động bình đẳng giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Cùng với đó, giải quyết hiệu quả các bất bình đẳng, các chính sách, chương trình liên quan về giới, nâng cao tính tự chủ của phụ nữ để họ tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân phải là một tuyên truyền viên vận động gia đình, người thân và cộng đồng cùng nói không với bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới