Cây xoan ở bản Piềng Chà

Những năm gần đây, nhân dân bản Piềng Chà, xã Chiềng Yên (Vân Hồ) tích cực bảo vệ, phát triển diện tích cây xoan; chuyển dần diện tích đất nông nghiệp canh tác lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây xoan, cây sa nhân và chăn nuôi gia súc, mang lại thu nhập cao và góp phần bảo vệ rừng, phủ xanh đồi trọc, chống sạt lở đất...

Các hộ dân ở bản Piềng Chà, xã Chiềng Yên (Vân Hồ) trồng xoan vừa tăng thu nhập, vừa chống xói mòn đất.

Tìm hiểu được biết, Piềng Chà là 1 trong 3 bản của xã Chiềng Yên chưa có điện lưới quốc gia, bản cách trung tâm xã gần 5 km, trong đó 4 km đường đất, bản có 42 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Dao, tỷ lệ hộ nghèo trên 95%. Trước đây, người dân bản Piềng Chà chủ yếu trồng một số loại cây lương thực như: Ngô, lúa nương, sắn... phục vụ nhu cầu của gia đình và chăn nuôi. Một số hộ dân tận dụng diện tích đất đồi trồng cây lương thực năng suất thấp để trồng cây xoan, nhất là ở các khu vực đất dốc, đất bạc màu, thường hay bị xói mòn vào mùa mưa lũ. Ông Bàn Văn Tiến, Trưởng bản Piềng Chà cho biết: Xoan là loại cây ưa khí hậu nóng ẩm, dễ trồng, dễ sống, khi cây to có hạt phát tán thường mọc nhiều cây con, chỉ cần phát các cây cỏ dại là cây xoan có thể sống và phát triển; nếu nhiều cây con mọc cùng một diện tích thì nhổ bớt để cây còn lại phát triển. Trồng cây xoan không phải bón phân, khu vực trồng xoan nên rào xung quanh để không bị vật nuôi phá hoại. So với nhiều loại cây lấy gỗ khác thì cây xoan lớn nhanh, khoảng từ 3 - 5 năm tuổi là có thể khai thác gỗ để bán. Hiện, trong bản đã trồng được hơn 15 ha cây xoan trên đất dốc, trong đó gần 10 ha cây đã được khai thác. Trồng 1 ha xoan thu trên 70 m3 gỗ, trị giá hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, gỗ cây xoan được dùng phổ biến để làm bàn ghế, giường, tủ... vì ít bị mọt. Trong bản Piềng Chà gần như hộ nào cũng trồng cây xoan, từ trồng cây xoan mà một số hộ đã thoát nghèo và có vốn đầu tư chăn nuôi gia súc, như gia đình các ông Lý Văn Xam, Bàn Văn Tiến...

Không chỉ có hiệu quả kinh tế, trồng xoan còn có tác dụng giữ đất, giữ ẩm, để đất không bị xói mòn hay sạt lở. Không những vậy, trồng xoan còn tận dụng được diện tích đất dưới tán cây, trồng cây sa nhân hay trồng cỏ voi để chăn nuôi gia súc giúp nhân dân trong bản có thêm thu nhập trong năm. Hiện, bản có trên 30 hộ trồng sa nhân dưới tán cây xoan, bình quân 1 năm thu 2 tấn quả sa nhân tươi, trị giá 200 triệu đồng.

Đến thăm gia đình ông Lý Văn Xam, Bí thư Chi bộ bản Piềng Chà, ông là người có diện tích xoan nhiều nhất bản. Nhiều năm nay, diện tích trồng xoan của gia đình ông Xam đã được khai thác gỗ và bán cho các chủ buôn gỗ xoan ở miền xuôi. Được biết, gia đình ông Xam có gần 10 ha xoan trồng chủ yếu trên đất dốc, trong đó hơn 7 ha khoảng 3 - 5 năm tuổi đã có thể khai thác lấy gỗ. Riêng trong năm 2018, gia đình ông đã khai thác 3 lần, mỗi lần khai thác được hơn 30 m3 gỗ, trung bình bán 3 triệu đồng/m3; sau khi trừ chi phí gia đình ông thu gần 200 triệu đồng. Ông Xam cho biết: Gia đình tôi trồng xoan hơn 10 năm nay. Ban đầu, tôi nghĩ đơn giản trồng xoan để sau này con cháu lấy gỗ làm nhà hay làm một số đồ dùng trong gia đình. Những năm gần đây, có nhiều người đến hỏi mua gỗ xoan, thấy trồng xoan đạt hiệu quả kinh tế, vì vậy tôi đã mở rộng diện tích trồng xoan và giữ lại nhiều diện tích cây xoan mọc tự nhiên và mua thêm một số diện tích cây xoan trong bản để chăm sóc. Cây xoan đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định.

Hiện nay, không chỉ có bản Piềng Chà trồng và bảo vệ các cây xoan mọc tự nhiên để phát triển kinh tế, mà còn nhiều bản khác ven sông Đà có khí hậu phù hợp cũng đang tích cực trồng loại cây này. Song, người dân rất mong được các cấp, các ngành quan tâm hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xoan và có thị trường tiêu thụ gỗ xoan, để nhân dân yên tâm mở rộng diện tích cây trồng này, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên quê hương.

A Trứ (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới