Cây xóa đói nghèo ở bản TĐC Quỳnh Thuận

Cây thanh long ruột đỏ được trồng ở bản tái định cư Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha (Thuận Châu) những năm gần đây cho thấy khả năng thích nghi, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và trở thành loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập.

 

 

Những cây thanh long phủ kín đất đồi ở bản Quỳnh Thuận.

 

Đến bản TĐC Quỳnh Thuận hôm nay, không chỉ ấn tượng bởi những con đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà sàn, nhà xây khang trang, mà còn bởi màu xanh của cây trái, màu của sức sống, sự trù phú, minh chứng cho cuộc sống ấm no của người dân nơi đây. 5 năm qua, việc người dân Quỳnh Thuận ứng dụng đưa vào trồng thành công cây thanh long ruột đỏ không chỉ làm phong phú thêm cơ cấu cây trồng, mà còn giúp người dân có thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

 

Chị Lò Thị Dưng được người dân bản Quỳnh Thuận nhắc đến với vai trò là người đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng.  Chị Dưng chia sẻ: Bản Quỳnh Thuận là bản tái định cư, người dân từ bản Nghe Tỏng, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai) chuyển về được gần 15 năm. Ban đầu, các gia đình được chia đất sản xuất đã có sẵn cây cà phê, nhưng thời tiết khắc nghiệt, cây cà phê thường bị sương muối, việc tìm cây trồng mới đã thôi thúc tôi tìm hiểu, học hỏi khắp nơi. Sau nhiều lần trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác nhau, nhận thấy cây thanh long ruột đỏ phù hợp. Sau khi tìm hiểu và liên kết với HTX Ngọc Hoàng ở huyện Mai Sơn, tháng 3/2017, tôi đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để trồng 430 trụ thanh long trên diện tích 5.000 m². Toàn bộ cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc được HTX Ngọc Hoàng cung cấp và hướng dẫn. Ngay vụ đầu tiên, quả thanh long cho quả to đều, vị ngọt thanh, thu nhập trên 80 triệu đồng. Hiện, gia đình tôi có gần 2 ha thanh long. Trồng cây thanh long ruột đỏ không khó, chỉ cần chôn trụ bê tông vững chắc để cây bám vào mọc và đẻ nhánh ra xung quanh. Việc chăm sóc cũng khá đơn giản, sau khi thu hoạch thì cắt bỏ những cành già không còn khả năng mọc mầm và ra quả, mỗi cành chỉ để 1 - 3 quả để quả to và bảo đảm chất lượng. Phân bón sử dụng chủ yếu là phân hữu cơ, một năm bón từ 3 - 4 lần; có thể tận dụng rơm, rạ phủ lên phần gốc để giữ ẩm cho cây sau khi trồng. Từ năm thứ 3 trở đi, cây cho năng suất cao, ổn định, trọng lượng mỗi quả thanh long từ 0,3 - 0,5 kg. Đặc biệt, có thể áp dụng biện pháp xử lý cho cây ra quả trái vụ bằng cách thắp đèn điện vào ban đêm để kích thích hoa nở, quả nhanh chín, giúp tăng năng suất, chất lượng. Đặc biệt là gia đình đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, không chỉ giải bài toán khan hiếm nước tưới mà còn giúp tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí lao động. Nhận thấy hiệu quả từ cây thanh long, nhiều gia đình trong bản đã tìm đến học hỏi và được tôi chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống để trồng.

 

 

Chị Lò Thị Dưng, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ.

 

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình chị Lò Thị Dưng, Ban quản lý bản Quỳnh Thuận đã tuyên truyền, vận động bà con đến tham quan, học tập kinh nghiệm kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ. Anh Hoàng Văn Thắng, Bí thư Chi bộ bản Quỳnh Thuận, cho biết: Hiện, cả bản đã có hơn 20 ha thanh long ruột đỏ đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Từ mô hình nhà chị Dưng, trong bản đã có nhiều gia đình thành công với loại cây trồng này, điển hình như gia đình anh Hoàng Văn Hoa trồng 700 trụ; gia đình chị Điêu Thị Điểm trồng 800 trụ, gia đình chị Điêu Thị Tuyết trồng 500 trụ. Đặc biệt là trường hợp gia đình chị Lò Thị Đào, thuộc diện hộ nghèo của bản, năm 2018, gia đình chị Đào đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 150 trụ thanh long ruột đỏ, chỉ một năm, gia đình chị thu được gần 50 triệu đồng từ bán quả thanh long. 

 

Những vườn thanh long ở Quỳnh Thuận nhìn từ trên cao.

 

Bản Quỳnh Thuận hiện đang là địa phương trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên và có diện tích trồng lớn nhất của huyện Thuận Châu. Qua thực tế hiệu quả kinh tế từ cây trồng này đem lại, huyện Thuận Châu đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và nghiêm túc thực hiện liên kết chuỗi theo thỏa thuận; mở các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật theo hướng hữu cơ cho người dân và triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX và người dân trong sản xuất vào tiêu thụ sản phẩm thanh long ruột đỏ. Đồng thời, quy hoạch vùng sản xuất thanh long ruột đỏ để hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, cung cấp cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới