Cảnh giác với chiêu trò lôi kéo của đa cấp trá hình

Khoảng 3 tháng trở lại đây, trên địa bàn thành phố Sơn La xuất hiện một số nhóm người đứng ra tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm ở các khách sạn lớn để thuyết trình, mời chào người dân tham gia mạng xã hội phân quyền và mua cổ phiếu “ảo”… Người đến nghe thuyết trình còn được tặng quà và dự tiệc chiêu đãi, nên đã thu hút khá nhiều người quan tâm.

 "Hội thảo Mạng xã hội phân quyền Vitae" tại khách sạn Hoa Ban Trắng, trên đường 3/2, thành phố Sơn La.

Phóng viên đã thâm nhập thực tế một buổi  hội thảo vừa được tổ chức vào đầu tháng 7 tại khách sạn Hoa Ban Trắng, trên đường 3/2, thành phố Sơn La. Mặc dù trời mưa rất to, nhưng số lượng người đến dự khá đông, phần lớn là nông dân, phụ nữ và những người đã cao tuổi. Đón tiếp ngay tiền sảnh là người đàn ông có biển tên là Ngô Tiến Phong, được giới thiệu là thành viên Ban điều hành mạng xã hội phân quyền Vitae Việt Nam (Vitae Việt Nam),  ông Phong liến thoắng nói về các cơ hội, dự án để làm giàu… sau mỗi câu nói của ông Phong, có rất nhiều thành viên của tổ chức này ngồi xung quanh vỗ tay tán thưởng.

"Hội thảo" diễn ra, vẫn là người đàn ông có tên Ngô Tiến Phong lên chủ trì giới thiệu về “Mạng xã hội phân quyền Vitae”, theo giới thiệu, mạng này sinh lời bằng các hoạt động, như: xem, đăng tin, like (thích) nội dung status (trạng thái) của nhau trên nền tảng Vitae. Trong bài diễn thuyết, ông Phong nhắc đi nhắc lại câu nói: tham gia “Mạng xã hội phân quyền Vitae” chỉ cần ngồi nhà, tiền cũng sẽ tự sinh sôi, kể cả đi ngủ cũng có tiền, bất kỳ ai cũng có cơ hội sở hữu tài sản khổng lồ trong chớp mắt.

Sau phần thuyết trình, "Hội thảo" chuyển qua phần “tư vấn”, “vận động”, “mời gọi” góp vốn “đầu tư” với yêu cầu: Mỗi người sẽ phải đóng phí 300 USD (quy đổi khoảng gần 7 triệu đồng tiền Việt Nam) để được đăng ký tài khoản và tham gia vào “cây ma trận 5*5”. Ở “cây ma trận” này, tầng một có 5 người, với mỗi người tham gia thì được hưởng hoa hồng là 0,1 USD; tầng hai có 25 người, tầng ba có 125 người, tầng bốn có 625 người, tầng năm có 3.125 người. Lợi nhuận được tính trả bằng việc mời thêm người tham gia, khi cây ma trận đầy đủ số người tham gia, người đầu tiên đóng tham gia lúc này sẽ có tổng cộng 346,5 USD. Nếu người thuộc tầng một của cây tiếp tục giới thiệu được người mới tham gia và cũng đầy cây ma trận, sẽ có thêm hoa hồng nữa. Mạng này còn đưa ra các gói “Vị trí” để người tham gia mua để mở rộng cây ma trận, ngoài ra, có nhiều gói ma trận khác như 2*10, 3*8 với mức phí tham gia ít hơn, hình thức hoạt động tương đương.

Để đánh vào tâm lý của người tham gia, tại "Hội thảo", hầu hết các thành viên Ban điều hành đều khoe số tiền trong tài khoản tăng lên từ vài trăm cho đến hàng ngàn USD/tháng, tuy nhiên, thực chất chỉ là tiền ảo trên mạng xã hội và việc liệu có quy đổi thành tiền mặt, cách thức quy đổi ra sao thì không thấy ai nhắc đến. Các thành viên thi nhau phát biểu “chèo kéo” mọi người tham gia, đặc biệt, trên các video trình chiếu giới thiệu đều gắn logo của Chương trình VTV24 (một chương trình của Đài truyền hình Việt Nam) nhằm tăng độ tin tưởng, thu hút người tham gia. Phóng viên đã liên hệ trực tiếp với đường dây nóng của VTV24 và được xác nhận VTV24 không làm bất cứ sản phẩm nào liên quan đến “Mạng xã hội phân quyền Vitae”. Thử dùng công cụ tìm kiếm trên website Google.com với từ khóa “Mạng xã hội Vitea”, cho ra gần 60.000 kết quả tìm kiếm, thì có khoảng 20.000 kết quả các bài viết liên quan đến cảnh báo về đa cấp, lừa đảo của “Mạng xã hội Vitea”.

 

Các video giới thiệu đều gắn logo VTV24

Tiếp tục trong vai khách hàng, ngày 19/7/2020, phóng viên tham gia chương trình “Tọa đàm tài chính và công nghệ 4.0” tổ chức tại khách sạn Mường Thanh, đường Tô Hiệu (Thành phố). Chương trình có khoảng 200 người tham dự, thành phần đa dạng, lần này có nhiều bạn trẻ. Theo lời giới thiệu của người đàn ông có tên Minh Vũ, mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết chia sẻ đám đông Crowd1 chia tới 80% lợi nhuận cho thành viên. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, mang tên Công ty kinh doanh các dự án về công nghệ giải trí nhưng hiện Crowd1 chỉ có trang web giới thiệu chung chung về cách thức hoạt động. Chưa có mô hình sản phẩm dự án nào cụ thể và mô hình kinh doanh Crowd1 là hình thức lấy tiền của người sau để trả cho người trước, với cam kết họ sẽ được hưởng lãi suất hấp dẫn, gấp hàng trăm lần lãi suất ngân hàng.

Muốn tham gia vào mạng lưới Crowd1.com, công ty sẽ đưa ra các gói đầu tư từ 99 USD – 2.499 USD để người tham gia đầu tư vào 2 loại cổ phiếu của 2 công ty con thuộc Crowd1. Có thể dễ dàng nhận thấy, người tham gia sẽ bỏ ra giá trị thật là tiền mặt để nhận lại giá trị ảo là số cổ phiếu tương đương, mà không có bất kì 1 hợp đồng giấy tờ nào. Sau đó, mở 1 tài khoản theo dõi cổ phiếu trên trang web của Crowd1. Điều đáng nói, khoản lợi nhuận gồm tiền và cổ phiếu sau khi giới thiệu được người tham gia thì chỉ được chuyển vào tài khoản trên trang web nội bộ của công ty, do tính chất nội bộ nên khi đó họ dư sức để thao túng giá trị lên xuống của đồng tiền. 

Tổng hợp tin tức trên một số tờ báo chính thống như: dangcongsan.vn, thanhnien.vn, vtv.vn, moit.com.vn (Bộ Công thương)… đã cảnh báo gần đây, nhiều địa phương xuất hiện mô hình, dự án được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “sàn thương mại điện tử tràn tầng”… Điểm chung của các dự án này là quảng cáo và đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với số hoa hồng cực cao, thu nhập khủng. Các khoản tiền của người tham gia vào các dự án không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia, hiển thị trên giao diện website. Hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu các dự án này được đặt ở nước ngoài, chủ đầu tư cũng không hiện diện tại Việt Nam hoặc không có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam, như vậy khi các website này sập thì người đầu tư sẽ mất trắng số tiền đầu tư.

Trả lời cho câu hỏi, bằng cách nào mà các “tổ chức”, “công ty” này có thể huy động được số đông người đến tham dự các hội thảo, tọa đàm, chúng tôi phải lần tìm manh mối, hỏi qua nhiều khách mời, được biết, cả Vitae và Crowd1, trên địa bàn thành phố và các huyện hiện nay đều có những “chân rết” được phong là “người đại diện”, “ban điều hành” chuyên đứng ra làm đầu mối để lôi kéo người tham gia với vỏ bọc đến dự “tọa đàm”, “hội thảo” có quà... Ngoài ra, “người đại diện”, “ban điều hành” sẽ lên mạng xã hội tìm kiếm các tài khoản facebook đang kinh doanh, bán hàng có gắn số điện thoại, rồi gọi điện giới thiệu, lôi kéo… Bằng rất nhiều chiêu trò khác nhau, các “công ty”, “doanh nghiệp” đều đưa ra những hứa hẹn về nguồn lợi đánh vào lòng tham của người dân. 

 

Buổi "Tọa đàm của Crowd1" tại khách sạn Mường Thanh, đường Tô Hiệu (Thành phố) thu hút rất đông người trẻ tới tham dự.

Vấn đề đặt ra ở đây là, các hình thức như tổ chức gặp mặt, hội thảo, tọa đàm, lôi kéo trên mạng xã hội đang diễn ra ngang nhiên trên địa bàn Thành phố có nhiều biểu hiện bất thường. Để người dân không bị lôi kéo vào bẫy lừa đảo đa cấp, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc giám sát, khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, nhận thức rõ các dấu hiệu lừa đảo như mời chào tham gia đầu tư, nộp tiền, hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường; kinh doanh theo phương thức đa cấp… điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức vi phạm pháp luật, tránh gây thiệt hại cho nhân dân.

Ngọc Trung

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới