"Cánh chim đầu đàn" trên đỉnh Lạng Xi Sang

Tiên phong đưa cây thảo quả về trồng, góp phần thay đổi cách làm ăn, phát triển kinh tế của bà con bản đồng bào dân tộc Mông vùng cao; nhiệt tình, trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước - Bí thư chi bộ Sùng A Chu, bản Nong Bông, xã Chiềng Ân (Mường La) thực sự là “cánh chim đầu đàn” trên đỉnh Lạng Xi Sang.

Ông Sùng A Chu (người ngồi thứ hai bên trái sang)

tuyên truyền người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Mùa này lên xã Chiềng Ân cực kỳ vất vả, mây mù bao phủ, những cơn mưa phùn kéo dài cả ngày. Vào bản Nong Bông, người dân đều đi làm ruộng nên muốn gặp bà con vào ban ngày rất khó và gia đình ông Sùng A Chu cũng không ngoại lệ. Khi biết có phóng viên đến thăm, dù không hẹn trước, nhưng ông Chu cũng nhanh chóng trở về nhà đón chúng tôi. Biết chúng tôi muốn được nghe câu chuyện ông giúp đỡ người dân trong bản phát triển kinh tế, ông khiêm tốn chia sẻ: Bao năm cái nghèo cứ theo mãi, khổ mình, khổ bà con trong bản, nên tôi luôn trăn trở làm sao tìm được cây trồng hợp đất, khí hậu để trồng có hiệu quả. Nghĩ là làm, tôi đã đi học hỏi ở những nơi khác, học được gì, biết được gì khi về bản tôi đều chỉ cho bà con làm cùng, chỉ mong giúp bà con thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hơn.

Với sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm, ông Chu được đảng viên trong Chi bộ bản Nong Bông tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ. Nong Bông hiện có 104 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Nơi đây từ bao đời chỉ quen trồng cây ngô, lúa nương và một ít lúa ruộng, năng suất thấp, sản lượng chẳng bao nhiêu nên đói nghèo cứ đeo bám mãi. Không cam chịu đói nghèo, ông Chu đã đọc sách báo, xem tivi và đi tham quan học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả ở nhiều nơi để về làm và chỉ cho bà con cùng làm. Một lần sang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), thấy người dân ở đây có thu nhập khá từ cây thảo quả, ông nghĩ nơi này cũng đất đồi núi dốc, độ ẩm cao, điều kiện không khác nơi mình sinh sống, vậy thì phải mang giống cây này về địa phương trồng thử. Năm 2014, ông quyết định mua giống thảo quả về trồng trên 1 ha đất của gia đình, ươm thêm giống cây sơn tra để trồng. Sau đó, ông đã cùng người em của mình trồng thêm 3 ha thảo quả dưới tán rừng.

Để được tận mắt chứng kiến, chúng tôi cùng ông Chu đi bộ gần 2 km đường đất đến trang trại và vườn cây dược liệu của gia đình ông. Dọc đường, câu chuyện xoay quanh cây thảo quả càng thêm rôm rả. Ông bảo, năm 2018, cây thảo quả cho thu hoạch vụ đầu tiên, đích thân ông mang hơn 4 tạ thảo quả khô sang bán tận huyện Mù Cang Chải với giá trung bình 110.000 đồng/kg, mang về gần 50 triệu đồng. Mừng quá! vì đã bao giờ được cầm số tiền lớn như thế đâu. Cũng năm này, gia đình ông còn thu trên 6 triệu đồng tiền bán 6 tạ quả sơn tra, chưa kể các nguồn thu khác từ 2 ha ngô, 2 ha lúa nương, 1,5 ha lúa ruộng, hơn 100 con gia cầm. Đồng thời, làm thêm nghề mộc, chuyên đóng tủ, giường, bàn, ghế... cho bà con trong bản khi các gia đình có nhu cầu. Hằng năm, thu nhập bình quân của gia đình đạt hơn 200 triệu đồng.

Ông Sùng A Chu chăm sóc ao cá và vườn thảo quả của gia đình.

Tin rằng cây thảo quả, cây sơn tra sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, năm 2015, ông Chu giới thiệu với bà con trong bản về cây trồng này và vận động họ trồng trên diện tích đất đồi. Để có cây giống, ông Chu tự học hỏi và ươm giống cây thảo quả, sơn tra bán cho bà con với giá 2.500 đồng/cây. Ông Chu bảo, bà con quan niệm rằng: Nếu trồng cây thảo quả gần nhà, nghe tiếng gà gáy, thảo quả chỉ ra hoa, không ra quả, nên hầu hết các hộ đều trồng thảo quả ở những khu vực dưới tán rừng, ven suối... Mô hình trồng cây dược liệu của ông Chu được coi là mô hình mẫu để nhiều hộ dân trong bản học tập và làm theo. Vụ năm ngoái có hộ đã bắt đầu thu hoạch, như gia đình các ông: Thào A Tếnh, Sùng A Da, Tráng A Vạng... Toàn bản Nong Bông hiện có 70 ha thảo quả, 20 ha sơn tra. “Tiếng lành đồn xa”,  người dân ở các bản khác trong xã Chiềng Ân cũng đến học và nhờ ông Chu chỉ cách trồng cây thảo quả, cây sơn tra. Không nề hà, ông Chu đã trao đổi kinh nghiệm ươm cây giống, kỹ thuật chăm sóc với bà con, giúp họ trồng thay thế cây ngô, lúa trên nương đồi.

Có cây trồng, có sản phẩm, nhưng tiêu thụ ra sao? Đó là câu hỏi thường trực của ông Chu. Đường lên Chiềng Ân khó đi lắm, thu hoạch lại chủ yếu trong mùa mưa, diện tích trồng cây thảo quả cũng nhỏ lẻ, manh mún khiến việc tiêu thụ sản phẩm nông sản càng thêm khó khăn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân băn khoăn chưa dám mở rộng diện tích. Sau khi tham khảo một vài nơi, năm 2017, ông Chu vận động các hộ dân liên kết thành lập HTX Nong Bông do ông làm Giám đốc. Quy mô HTX gồm 13 thành viên, sản xuất 5 ha sơn tra, 40 ha cây thảo quả; hy vọng HTX sẽ là đầu mối để người dân nơi đây đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của vùng, nhất là thảo quả và sơn tra. 

Nếu như trước đây, người dân Nong Bông còn lệ thuộc nhiều tập quán lạc hậu, số người nghiện hút, buôn bán thuốc phiện, trộm cắp vặt nhiều dẫn đến an ninh trật tự phức tạp, thì nay đã khác nhiều. Đó là bởi Bí thư Chu cùng Chi bộ lãnh đạo Ban quản lý bản và các tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới... Trong mọi việc, Bí thư Chu luôn gương mẫu đi trước, làm trước. Ngoài đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế, ông còn là người đầu tiên trong bản làm trang trại trên nương để chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cỏ lấy thức ăn cho đại gia súc; rồi vận động các hộ dân trong bản làm theo, đã hạn chế được dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Không những thế, ông còn vận động bà con thực hiện dân số - kế hoạch hoá gia đình; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, không thách cưới, không để người chết lâu ngày trong nhà; người ốm đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị; cảnh giác, không nghe và không tin lời kẻ xấu xúi giục... từ năm 2015 đến nay, Nong Bông được công nhận là bản văn hóa, không có ma túy... 

Trên đỉnh Lạng Xi Sang giờ có Bí thư Chi bộ bản được dân quý, dân tin và làm theo, “cánh chim đầu đàn” luôn hết lòng đẩy lùi nghèo khó, lạc hậu để người dân có cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới