Cần sự đột phá về cải cách thủ tục hành chính để phục vụ doanh nghiệp

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị công bố Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 tại Hà Nội, ngày 8/1.

Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế tham dự (Ảnh: HNV)

Hội nghị do Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Báo cáo về kết quả khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, tham gia cuộc khảo sát năm 2018 có 3.061 doanh nghiệp, trong đó 46% từ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, 33% thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 17% từ các doanh nghiệp nhà nước.

Cũng theo ông Tuấn, kết quả khảo sát cho thấy, năm 2018 mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành Hải quan đã được cải thiện ở hầu hết các nội dung khảo sát so với năm 2015. Đây là sự ghi nhận đáng khích lệ đối với những nỗ lực cải cách của ngành Hải quan trong những năm qua.

Hội nghị là cơ hội để các cơ quan chức năng lắng nghe kiến nghị từ doanh nghiệp
(Ảnh: HNV)

Đặc biệt, các kết quả khảo sát liên quan tới cán bộ công chức Hải quan đã có sự cải thiện rất tích cực. Cụ thể, doanh nghiệp đánh giá cao sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ của công chức Hải quan ở tất cả các thủ tục. Đơn cử như, đối với thủ tục thông quan, khâu kiểm tra hồ sơ, có tới 70% doanh nghiệp đánh giá khá và tốt trong khi tỷ lệ này năm 2015 là 60%; thủ tục quản lý thuế, khâu Hoàn thuế không thu thuế có tới 54% doanh nghiệp đánh giá khá tốt so với tỷ lệ này năm 2015 là 44%.

Tương tự, kỹ năng giải quyết công việc của cán bộ công chức hải quan cũng được doanh nghiệp đánh giá cao so với năm 2015. Có tới 62% doanh nghiệp đánh giá khá và tốt cho kỹ năng giải quyết công việc của công chức Hải quan ở cả thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa và thủ tục nộp thuế so với năm 2015 lần lượt là 54%, 49%.

Đặc biệt, theo báo cáo, các chỉ số liên quan đến chi phí ngoài quy định có sự cải thiện vượt bậc. Chỉ có 18% doanh nghiệp tham gia trả lời cho biết phải trả chi phí ngoài quy định so với tỷ lệ này trong cuộc khảo sát 2015 là 28%. Có tới 56% doanh nghiệp tham gia trả lời cho biết không phải trả phí ngoài quy định trong khi tỷ lệ này của 2015 chỉ là 37%.

Tỷ lệ doanh nghiệp bị phân biệt đối xử khi không chi trả chi phí không chính thức cũng có sự thay đổi, năm 2018 chỉ còn 15% so với năm 2015 là 31%.

Theo báo cáo, trong số các doanh nghiệp nhận thấy bị phân biệt đối xử, hình thức phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục (93%). 69% phản hồi cho rằng doanh nghiệp có thể bị gây khó khăn cho lần làm thủ tục sau…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - khẳng định, ngành Hải quan đặc biệt quan tâm đến chống phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp. Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã rà soát lại, không chỉ cải cách ra bên ngoài mà còn có cải cách trong nội bộ, làm tốt công tác quản trị ngành để chống phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang triển khai một loạt các giải pháp để đảm bảo công tác này. Trong đó, Tổng cục đã quy định rõ ràng về công tác thanh tra, kiểm tra. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã có quyết định định danh 300 hành vi tạm gọi trong ngành là những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu.

“Tổng cục đã định dạng được các hành vi này và trên cơ sở định dạng các hành vi này để làm cơ sở giám sát trong ngành, chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực”, ông Cường nói.

Những năm gần đây, ngành Hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
(Ảnh chụp màn hình)

Thêm vào đó, Tổng cục Hải quan cũng đã giảm việc kiểm tra bằng thủ công bằng cách áp dụng các biện pháp máy móc kỹ thuật. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã trang bị một loạt hệ thống máy soi container, máy soi hành lý, camera giám sát và đặc biệt là thực hiện chương trình giám sát hải quan tự động.

Ngoài ra, một số các địa điểm thực hiện thông quan lớn hiện nay đã được trang bị hệ thống giám sát camera trực tuyến từ Tổng cục xuống đến các Cục và chi cục.

Hơn nữa, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, hải quan cũng là ngành đầu tiên trong Bộ Tài chính mô tả được 183 vị trí việc làm, trong đó có 23 vị trí thuộc lãnh đạo và 132 vị trí của cán bộ chuyên môn và 28 vị trí thuộc bộ phận phục vụ. “Trên cơ sở vị trí việc làm như vậy, Tổng cục Hải quan đang rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng trình độ chuyên môn của cán bộ công chức, trên cơ sở đó để bố trí, sắp xếp lại cán bộ sao cho phù hợp. Như vậy, cải cách ở phía bên trong mới đủ tầm để thực hiện một cách bền vững cải cách thủ tục bên ngoài”- ông nói.

Tới đây, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các đơn vị khảo sát độc lập như VCCI để hoàn thiện hơn phương pháp, cách thức triển khai hoạt động khảo sát, hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá đảm bảo tính đầy đủ, khách quan, chính xác sự hài lòng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối với sự phục vụ, chất lượng dịch vụ của cơ quan hải quan. Đồng thời, sẽ thực hiện các cuộc khảo sát mức độ hài lòng về thủ tục hành chính hải quan tại từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, xếp hạng các Chi cục trong một Cục.

Khẳng định về tính cần thiết phải đẩy mạnh đổi mới và chủ động trong cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và thể chế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, các chỉ số liên quan tới môi trường kinh doanh và chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam đều đứng thứ năm, chưa vượt ra khỏi chất lượng trung bình. Do đó, chuẩn mực quốc tế là mục tiêu cải cách thể chế được quan tâm trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục duy trì cơ hội của Việt Nam với thế giới, nhất là trong bối cảnh chúng ta vừa gia nhập CPTPP./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới