Cần sớm ổn định hoạt động các trường học sau sáp nhập

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, năm học 2018 - 2019, huyện Sông Mã tiến hành sáp nhập 37 đơn vị, trường học. Như vậy, hiện nay toàn huyện hiện có 54 đơn vị trường học, giảm 43 viên chức lãnh đạo, quản lý và số người làm việc ở bộ phận hành chính (văn thư, kế toán); giảm 94 tổ chuyên môn so với năm học 2017 - 2018.

 

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Yên Hưng (Sông Mã).

Sau sáp nhập, các đơn vị trường học đã ổn định về tổ chức bộ máy, thành lập các tổ sinh hoạt chuyên môn. Thầy giáo Phan Thế Anh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Mường Sai chia sẻ. Khi có quyết định sáp nhập, Ban Giám hiệu đã phân công cán bộ phụ trách quản lý về chuyên môn theo bậc học, tạo sự thống nhất trong quản lý, tăng cơ hội học hỏi và chia sẻ giữa các thầy giáo, cô giáo.

Không chỉ các thầy giáo, cô giáo, nhiều em học sinh cũng cảm thấy vui hơn khi có thêm nhiều bạn, được tham gia nhiều các buổi ngoại khóa với các chủ đề phong phú, đa dạng. Em Lường Quách Đạt, học sinh lớp 4, Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Mường Sai phấn khởi: Sau khi sáp nhập, trường của em đông bạn lắm. Mặc dù ở hai điểm, nhưng khi có hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức, chúng em lại được về khu điểm chính để tham gia. Còn chị Quàng Thị My, phụ huynh của em Lường Nhật Hùng, lớp 2A Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Bó Sinh nhận xét: Việc sáp nhập không ảnh hưởng đến việc học của các cháu. Khi họp ở xã, cũng như ở trường, chúng tôi được biết việc sáp nhập giảm đội ngũ quản lý còn chuyên môn dạy học thì vẫn phân công theo bậc học nên chúng tôi rất yên tâm.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, quy mô về số lớp, đội ngũ cán bộ, học sinh lớn hơn, nhiều đơn vị trường có trên 1.000 học sinh; nhiệm vụ quyền hạn, cơ sở vật chất ở một số các đơn vị trường có sự thay đổi. Với đặc điểm là huyện có địa bàn rộng, chia cắt bởi nhiều sông, suối, giao thông chưa thuận lợi nên công tác quản lý, điều hành của Ban giám hiệu mới cũng như công tác tổ chức nấu ăn bán trú; xây dựng trường chuẩn... cũng gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, việc sáp nhập được tiến hành từ ngày 1/9/2018, nhưng tháng 9 và tháng 10, các giáo viên của tất cả các đơn vị trường học sáp nhập vẫn chưa nhận được lương. Được biết, hai tháng nay, vợ chồng thầy giáo Lò Văn Tuấn - Cà Thị Phươi (Trường Tiểu học Yên Hưng) đã phải đi vay 8 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Thầy giáo Lò Văn Tuấn băn khoăn: Mọi chi tiêu của cả nhà chỉ trông vào đồng lương của hai vợ chồng. Vợ chồng tôi hiện đang theo học lớp đại học tại chức nên lại càng thêm khó khăn. 

Còn vợ chồng cô giáo Lò Thị Nga - Lò Văn Thảo (Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Bó Sinh) nhà ở Nậm Lạnh (Sốp Cộp). Vợ chồng anh chị có hai con, đứa lớn ở nhà với bà nội, còn đứa nhỏ thì anh chị mang theo vào trường. Năm 2017, anh chị vay qua lương 120 triệu đồng của Ngân hàng Bưu điện liên Việt để xây nhà, hằng tháng trả cả gốc lẫn lãi hơn 6 triệu đồng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng hơn 13 triệu đồng/tháng, thế nên chậm lương, anh chị phải vay mượn bạn bè, người thân để trả tiền vay và trang trải sinh hoạt.

Tại Trường PTDTBT tiểu học và THCS Bó Sinh, sau khi sáp nhập,  trường muốn giữ lại một mã tài khoản cũ, nhưng khi chuyển lên Sở Tài chính thì không được chấp thuận, do vậy trường phải làm các thủ tục để cấp lại mã tài khoản. Hiện nay, đơn vị đã có con dấu nhưng chưa có mã tài khoản mới. Còn lại, các khâu tổ chức, thanh toán, quyết toán về tài chính đã hoàn chỉnh. Và việc chậm hoàn thiện các thủ tục pháp lý từ cơ sở gián tiếp làm chậm tiến độ hoàn thiện các hồ sơ để cấp mã tài khoản mới cho trường sau khi sáp nhập.

Việc chậm chi trả lương không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các đơn vị trường học mới sáp nhập mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện chi trả các khoản dịch vụ khác. Ông Hoàng Mạnh Hà, Giám đốc Điện lực Sông Mã cho hay, sáp nhập các trường học đã hai tháng, nhưng các đơn vị chưa thanh toán được tiền điện. Việc chậm thanh toán kéo dài, ảnh hưởng đến chỉ tiêu kế hoạch của đơn vị. Rất mong ngành Giáo dục - Đào tạo sớm có biện pháp khắc phục và giải quyết cho phù hợp.

Trao đổi với ông Nguyễn Chí Chung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện được biết: Kể từ thời điểm sáp nhập cho đến nay, 100% các đơn vị đã cố gắng ổn định và đi vào hoạt động. Trên cơ sở pháp lý, sau khi tiến hành sáp nhập, đơn vị cũng đã phối hợp với Công an huyện thu hồi và hướng dẫn khắc đổi lại mẫu dấu. Đến nay, 100% các đơn vị trường học đã thực hiện xong việc thu hồi mẫu dấu và khắc đổi mẫu dấu mới; phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thanh quyết toán về tài chính, tài sản. Tuy nhiên, do lần đầu thực hiện việc sáp nhập nên trong quá trình thanh quyết toán về tài chính, tài sản còn nhiều đơn vị còn chậm vì nhiều đơn vị có biến động về đất đai nên việc thực hiện kiểm kê, rà soát kéo dài. Do vậy, đến thời điểm này, chưa thực hiện được việc chi trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc các đơn vị trường học sáp nhập. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các hồ sơ, để trong tháng 11 chi trả được lương cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới