Cần nhân rộng cơ hội ngoại thương

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhờ ngoại thương, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đi trước đón đầu trong cạnh tranh với các nền kinh tế mới nổi để có thể nắm bắt các cơ hội quý báu hơn từ các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, chẳng hạn như Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ảnh minh họa.

Thực tế cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không những chỉ lớn hơn về quy mô mà ngày càng đa dạng hơn. Điều này đã phản ánh quá trình chuyển đổi từ xuất khẩu sản phẩm thô là chủ yếu sang xuất khẩu hàng hóa chế tác có hàm lượng công nghệ hơn như may mặc, đồ gỗ, giày dép, nhất là hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ cao như máy móc và điện tử.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ còn yếu. Hiện tại Việt Nam chưa chủ động khai thác triệt để các cơ hội của mô hình chuỗi giá trị toàn cầu. Mô hình đó phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện lắp ráp ở công đoạn cuối. Thiếu liên kết ngược với các nhà cung ứng trong nước trong hoạt động sản xuất chính và ít chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước do doanh nghiệp trong nước chưa đủ khả năng tiếp thu công nghệ cao hơn; hoặc chưa thể tham gia vào các công đoạn phức tạp hơn trong chuỗi giá trị. Một đặc điểm nổi bật của hoạt động sản xuất theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam là sử dụng tương đối nhiều thiết bị nhập ngoại vào quy trình lắp ráp cuối cùng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 50 - 60% giá trị xuất khẩu dệt may và da giầy là từ nguyên vật liệu nhập ngoại. Hầu hết các linh kiện và chi tiết đưa vào sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng cho xuất khẩu cũng được nhập khẩu.

Chính vì vậy, đồng thời với việc duy trì sản xuất lắp ráp công đoạn cuối, Việt Nam cần khuyến khích các nhà cung ứng trong nước tham gia ngày càng sâu vào quá trình lắp ráp cuối cùng thông qua phát triển mạng lưới toàn diện hơn các nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2, như cách thức Trung Quốc đã làm. Điều này giúp Việt Nam có vị thế tốt hơn để bắt đầu chuyển sang các sản phẩm tinh xảo hơn, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện tại, đảm nhận các công đoạn phức tạp hơn và dịch chuyển sang các chuỗi cung ứng mới với tỷ trọng giá trị gia tăng cao hơn.

Trước hết, cần khuyến khích sự hình thành các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có năng lực cạnh tranh có khả năng tạo những liên kết với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chìa khóa để mở đường dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị tại các nước công nghiệp hóa sớm ở Đông Á chính là một khu vực kinh tế tư nhân trong nước năng động. Sau này, khi các doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu được bí quyết và có năng lực cạnh tranh toàn cầu cao hơn nhờ nâng cấp công nghệ và lợi thế quy mô, Việt Nam có thể đặt mục tiêu để có một số doanh nghiệp đứng đầu chuỗi giá trị toàn cầu. Ở vị trí đó, lợi nhuận thu được sẽ lớn hơn nhiều so với các vị trí khác, Chẳng hạn như Apple thu được lợi nhuận bằng tới 45% giá bán buôn iPhone.

Tiếp theo là cần phát triển được khu vực dịch vụ hiện đại, làm đầu vào quan trọng cho sản xuất chế tác, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu. Đây là khu vực Việt Nam còn tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh, vì vậy bị rơi vào thế bất lợi. Thiếu một khu vực tài chính hiện đại và vận hành tốt là một khiếm khuyết nghiêm trọng. Thiếu khả năng tiếp cận vốn từ giai đoạn đầu làm hạn chế sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. Những dịch vụ hiện đại khác như bảo hiểm, viễn thông, vận tải và logistics cũng chậm phát triển. Khoảng trống này sẽ ngày càng được nhận thấy rõ khi Việt Nam dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị và hàm lượng giá trị của hàng hóa thương mại Việt Nam gia tăng.

Cũng cần phát triển các dịch vụ như nghiên cứu và phát triển (R&D), kỹ thuật và thiết kế như một cách để nâng cấp sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các dịch vụ hiện đại cũng trực tiếp đóng góp cho xuất khẩu, tăng trưởng và tạo việc làm. Nâng cấp nền tảng nguồn vốn con người, hạ tầng và kết nối công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sẽ tạo cơ hội để Việt Nam trở thành cường quốc khu vực về các dịch vụ dựa trên công nghệ thông tin.

Cải cách quy chế có vai trò thiết yếu để tạo sức sống cho các ngành dịch vụ. Những hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong các ngành dịch vụ chiến lược như ngân hàng, viễn thông, thông tin đại chúng, truyền tải và phân phối điện, vận tải đường bộ, đường sắt, đường không, khai thác cảng đang gây cản trở hoặc gây phiền hà cùng chi phí cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. Điều quan trọng là cần giảm bớt và hợp lý hoá những giới hạn này, sao cho cơ chế thị trường có thể phân bổ dòng vốn đầu tư một cách minh bạch trên một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một ưu tiên nữa là cần khắc phục những bất cập trong giải quyết tranh chấp. Doanh nghiệp ngành dịch vụ nước ngoài còn lo ngại về hệ thống pháp lý và thường yêu cầu xử lý tranh chấp thông qua trọng tài tại các quốc gia khác. Việt Nam cũng có thể giữ vai trò chủ động hơn trong phối hợp với các quốc gia đối tác để cắt giảm rào cản thương mại dịch vụ trong khối ASEAN.

Nhìn chung, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn và hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, khả năng kết nối cũng được tăng cường. Doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị cần vận chuyển hàng hoá xuyên biên giới với chi phí thấp và độ tin cậy cao nhằm giảm tổn phí lưu kho và tuân thủ các đòi hỏi giao hàng chặt chẽ, đúng thời hạn…/.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới