Cần giải quyết dứt điểm giống cây chanh leo không rõ nguồn gốc

Ngày 22/1/2018, Báo Sơn La nhận được đơn của ông Vừ A Chaư, bản Chom Cọ, xã Tạ Bú (Mường La), phản ánh việc 7 hộ dân của bản hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường xanh Huynh Giáp, địa chỉ tại bản Noong La, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La trồng 6 ha cây chanh leo từ cuối tháng 4 năm 2017, nhưng phần lớn các cây chanh leo không ra quả, thi thoảng có cây ra 4-5 quả. Người dân đã khó lại khó hơn khi tự phát chuyển đổi cây trồng. Để hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã về bản Chom Cọ vào một ngày cuối năm Đinh Dậu.

 

Các hộ dân bản Chom Cọ, xã Tạ Bú (Mường La) trao đổi với phóng viên Báo Sơn La về thực trạng trồng chanh leo.

 

Vượt con đường đất dốc cao dài hơn 7 km, nhiều đoạn sương mù dày đặc. Chúng tôi dừng ở đầu bản, tại nhà con trai ông Vừ A Tro, là 1 trong 7 hộ trồng chanh leo. Rất nhanh, cả 7 hộ dân trồng chanh leo đều có mặt, ai cũng bày tỏ bức xúc. Ước mong có cuộc sống khá lên từ việc chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ đã đi vay tiền để đầu tư trồng cây chanh leo, nhưng kết quả thì ngược lại. Để chứng minh rằng, trong quá trình sản xuất, các hộ dân đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn nên người thì mang ra vỏ bao đựng phân, người xách can thuốc dùng để phun kích thích cây ra hoa, người thì mang theo bản hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường xanh Huynh Giáp... Ông Vừ A Trạ bức xúc: Tổng cộng 7 hộ đã trả hơn 50 triệu đồng cho Công ty tiền giống cây, phân bón và thuốc phun. Ngoài ra, mỗi hộ đã đầu tư hơn 20 triệu đồng tiền mua dây thép, cọc làm giàn, vậy mà không thu được gì. Không có sản phẩm ngô như mọi năm, chanh leo cũng không được thu hoạch, cuộc sống của chúng tôi đã khó lại khó thêm...

Theo các hộ dân cho biết, việc trồng cây chanh leo ở Chom Cọ bắt đầu từ khoảng tháng 3 năm 2017. Khi đó có người phụ nữ tên là Hà Thị Yến đến bản vận động bà con chuyển diện tích trồng ngô sang trồng cây chanh leo, vì cây trồng này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn, trong quá trình trồng sẽ được Công ty cổ phần Môi trường xanh Huynh Giáp ứng trước giống, phân (các hộ đã trả cho Công ty hơn 50 triệu đồng, còn lại sẽ trả khi thu hoạch sản phẩm); được hướng dẫn kỹ thuật, lại được bao tiêu sản phẩm. Do mong muốn có cuộc sống khá hơn nên 7 hộ các ông: Vừ A Trạ, Vừ A Chaư, Vừ A Tu, Vừa A Tro, Vừ A Minh, Vừ A Su, Sồng A Lạ đã đăng ký trồng 6 ha cây chanh leo với Công ty. Trong đó, ông Vừ A Trạ được Công ty ra quyết định bổ nhiệm làm cán bộ quản lý và phát triển vùng nguyên liệu. Sau đó, các hộ dân đã mua sắt, cây tre về làm giàn, với chi phí hơn 20 triệu đồng/hộ; Công ty cổ phần Môi trường xanh Huynh Giáp vận chuyển phân, giống cây cho các hộ dân triển khai trồng cây chanh leo. Trong đó, lần thứ nhất vận chuyển lên hơn 4.000 cây, nhưng không bảo đảm chất lượng nên các hộ dân chưa trồng; lần thứ 2, Công ty tiếp tục vận chuyển lên bản 3.600 cây giống chanh leo và phân bón. Trong quá trình trồng, các hộ đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do Công ty hướng dẫn, cây chanh leo phát triển tốt. Tuy nhiên, phần lớn các cây chanh không ra quả, có cây ra thì cũng chỉ được 4-5 quả. Các hộ đã thông báo cho Công ty tình trạng trên và đề nghị Công ty vào thu mua sản phẩm chanh leo ít ỏi đó, nhưng Công ty đã không vào thu mua. Theo các hộ dân tính toán, nếu họ vẫn trồng ngô thì 1 ha ngô thu được 1 tấn ngô bắp, với giá bán như mọi năm thu 40 triệu đồng. Nhưng năm nay vì chuyển sang trồng chanh leo nên không thu được đồng nào, còn mất cả tiền đầu tư, thế là “mất cả chì lẫn chài”.

Các hộ dân bản Chom Cọ còn giữ lại vỏ bao đựng phân đã bón cho cây chanh leo

do Công ty cổ phần Môi trường xanh Huynh Giáp cung ứng.

 

Chúng tôi đã cùng đại diện các hộ dân đi thăm một số giàn chanh leo. Giàn được làm khá chắc chắn, cây chanh leo đang xanh, tốt, lác đác có cây có vài ba quả. Ông Vừ A Chaư hái một quả bổ ra để phóng viên “thưởng thức”. Vỏ quả màu xanh, cùi dày có màu trắng, ruột màu vàng, nhưng khác với những quả chanh leo mà tôi từng được ăn, quả chanh leo này không có mùi thơm. Ông Chaư buồn rầu: Gia đình tôi trồng 480 cây trên diện tích 8.000 m2 đất. Tính đến thời điểm này, gia đình đã đầu tư hơn 40 triệu đồng cho việc trồng chanh leo, nhưng không thu được đồng nào. Tôi chưa biết lấy gì để trả số tiền trên cho Ngân hàng. Chúng tôi nhận thấy 6 hộ khác cũng cùng hoàn cảnh như gia đình ông Chaư. Trước khi rời bản Chom Cọ, chúng tôi mang theo tâm tư, nguyện vọng của 7 hộ dân trồng chanh leo, đó là mong muốn được Công ty cổ phần Môi trường xanh Huynh Giáp hoàn lại số tiền mà họ đã trả một phần tiền giống, phân cho Công ty, cũng như số tiền mà họ đã đầu tư để trồng chanh leo.

 

Trao đổi về việc này, ông Quàng Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tạ Bú cho biết: Cuối tháng 4/2017, trong chuyến công tác của lãnh đạo xã tại bản Chom Cọ mới biết việc 7 hộ dân tự ký hợp đồng trồng cây chanh leo với Công ty cổ phần Môi trường xanh Huynh Giáp. Nhưng lúc đó, các hộ đã làm xong giàn và bắt đầu trồng cây. Khoảng tháng 11/2017, xã nắm được thông tin số diện tích chanh leo trên không ra quả, nên đầu tháng 12/2017, xã đã thông tin với Công ty cổ phần Môi trường xanh Huynh Giáp để bàn giải pháp tháo gỡ. Bà Thúy Huynh, Giám đốc Công ty nói sẽ hướng dẫn các hộ dân cắt bỏ cây chanh leo hiện có để ghép cây chanh khác, song đến nay chưa thấy Công ty thực hiện. Từ thực tế, các hộ dân tự phát trồng chanh leo không hiệu quả, xã đã bàn và có kế hoạch sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La tiến hành khảo sát một số bản có khả năng trồng cây chanh leo như: Chom Cọ, bản Búng, bản Mòn... nếu người dân đồng thuận, sẽ thành lập hợp tác xã trồng chanh leo. Đồng thời, mời Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc đến ký hợp đồng trồng chanh leo với hợp tác xã.

Trở về Thành phố, trao đổi với bà Nguyễn Thúy Huynh, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường xanh Huynh Giáp về thực trạng của việc trồng cây chanh leo ở bản Chom Cọ, bà Huynh nói: Cây giống do bà Hà Thị Yến, Phó Giám đốc Công ty tự chở cây giống không có nguồn gốc về bán cho dân. Bà Yến thu nửa số tiền phân và giống của dân và lừa dối là đã nộp tiền vào Công ty, nhưng đơn vị chưa nhận đồng tiền nào của dân. Hơn nữa, Công ty đã đặt điểm thu mua 3 tháng liền, trực tiếp bà Huynh gọi điện cho ông Vừ A Trạ, cán bộ quản lý và phát triển vùng nguyên liệu đôn đốc các hộ dân thu quả bán...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những vấn đề bà Huynh nói trên chưa thỏa đáng. Thứ nhất, khi cây chanh leo không ra quả, UBND xã Tạ Bú đã thông tin với bà để tìm cách tháo gỡ. Như vậy, bà Huynh đã biết rất rõ phần lớn cây chanh leo không ra quả, nên đã đưa ra giải pháp là cắt bỏ cây chanh hiện tại lấy gốc ghép cây chanh khác. Cũng theo bà Huynh, cây giống bán cho dân không rõ nguồn gốc, vậy sẽ không có cơ sở để bảo đảm giống cây đạt chất lượng. Hai vấn đề tiếp theo, chúng tôi được bà Hà Thị Yến cho biết: Hai lần chở cây giống lên Chom Cọ đều do bà Huynh và người nhà bà Huynh chở lên, tôi không chở lần nào. Trong tổng số 65 triệu đồng tiền giống và phân bón bán cho các hộ dân thì ngày 10/4/2017, khi giao xong cây giống cho các hộ dân, tôi đã nhận 16.400.000 đồng từ ông Trạ và giao ngay lại cho bà Huynh trước sự chứng kiến của ông Trạ. Sau đó, ngày 15/10/2017 giao tiếp cho bà Huynh 9 triệu đồng tại gia đình bà Huynh có sự chứng kiến của chị Hoa, là người lên giao cây giống. Số tiền còn lại, tôi đã đến nhà giao cho bà Huynh đầy đủ. Đến cuối tháng 7, tại trang trại của gia đình tôi, với sự có mặt của 3 người (trong đó có ông Trạ), chúng tôi thống nhất là đã thanh toán xong mọi khoản với bà Huynh (tổng cộng là hơn 53 triệu đồng). Còn 10 triệu đồng chưa thu được của các hộ dân, bà Huynh viết giấy nói để ông Trạ thu, sau đó nộp cho Công ty. Cũng nói về vấn đề này, ông Trạ khẳng định là chứng minh được việc bà Yến đã nộp tiền cho Công ty và chính ông cũng là người gọi điện báo cho Công ty vào thu mua sản phẩm chanh leo mặc dù sản lượng không nhiều, nhưng Công ty không cử người vào thu mua.

Đến bản Chom Cọ, chúng tôi cảm nhận, chia sẻ về cuộc sống còn nhiều khó khăn của người dân nơi đây. Nhưng người dân vẫn nỗ lực vươn lên, minh chứng qua việc bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Song kết quả không như mong đợi. Đề nghị Công ty cổ phần Môi trường xanh Huynh Giáp có lời giải thỏa đáng để người dân có điều kiện tiếp tục chuyển đổi cây trồng để thoát nghèo.

PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới