Cần chấm dứt sử dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm

Thời gian qua, cơ quan chức năng và giới truyền thông liên tục phát hiện hoàng loạt cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm có sử dụng hóa chất. Đáng lo lắng, các mặt hàng này lại đang được bày bán công khai cho người tiêu dùng mà không qua sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng nào.

Ảnh chụp từ phóng sự của VTV.

Gần đây, chương trình “Chuyển động 24h” của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng một phóng sự ngắn về công nghệ tẩm hóa chất cho Riềng xay (một loại thực phẩm làm sẵn) để tạo màu, giữ tươi lâu cho loại sản phẩm này. Sau khi phóng sự được đăng tải, nhiều bạn đọc đã phản ánh sự bức xúc đối với tình trạng sử dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm đang diễn ra hiện nay.

Riềng xay (giã) nhỏ là một trong những loại gia vị nấu nướng thường xuyên có mặt trong những món ăn của người Việt. Để thuận lợi cho nhu cầu chế biến món ăn hàng ngày, thay vì việc mua Riềng về tự giã vụn để chế biến món ăn, nhiều người nội trợ, cửa hàng kinh doanh hàng ăn uống thường mua sẵn các gói Riềng đã được xay sẵn tại các khu chợ để giảm bớt thời gian chế biến món ăn và tiện hơn cho việc nấu nướng. Tuy nhiên, ít ai biết được những gói Riềng, được xay sẵn và có màu vàng tươi đẹp mắt này đã được chế biến như thế nào!

Theo đó, Riềng củ tươi, được cơ sở tư nhân thu mua ở nhiều nơi về, sau quá trình rửa sạch bùn đất bám quanh, những củ Riềng được người làm cho vào máy xay để xay nhỏ, sau đó được đổ ra nền sân và trộn cho đều bằng xẻng, mà không hề quan tâm tới vấn đề an toàn vệ sinh của những gói Riềng. Một điều đáng chú ý, trong quá trình sản xuất người làm tại đây liên tục trộn vào những mẻ Riềng xay này những thìa bột màu trắng, mà theo giải thích của họ là để cho Riềng không bị thâm đen mà có màu vàng đẹp mắt, cũng như giữ cho Riềng tươi lâu hơn. Đáng lo ngại, dù không biết loại bột đang sử dụng để tạo màu sắc và giữ cho gói Riềng được tươi lâu hơn kia là chất gì, thế nhưng người làm tại cơ sở sản xuất này đều phải đeo găng tay và bịt khẩu trang kín mặt, mũi.

Trong phóng sự trên, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả, gia vị nấu ăn tại chợ Ngô Sỹ Liên – Hà Nội – chia sẻ: Bình thường vẫn nhập Riềng xay này từ một số hộ gia đình sản xuất cung cấp, nhưng tôi không thể tưởng tượng nổi công nghệ sản xuất của họ (những người trên phóng sự) lại có thể mất vệ sinh đến vậy. Khách đến mua hàng tôi đều giới thiệu Riềng của nhà bán rất tươi và ngon, thật không ngờ mình lại đang tiếp tay cho những điều xấu diễn ra”. Người bán hàng này cũng cho biết, mỗi sáng quầy hàng của chị thường nhập khoảng 20 đến 25kg Riềng xay đã đóng túi của một số đầu mối cung cấp, để bán lẻ tại chợ và đổ buôn cho một số nhà hàng ăn uống. Thường thì người bán hàng cũng quảng cáo rằng Riềng xay này phải cho thêm chút nghệ cho gói Riềng có màu vàng đẹp mắt, chứ không hề nói tới việc trộn thêm phụ gia hay hóa chất nào khác.

Liên quan tới phóng sự này, chất bột màu trắng đã được những người sản xuất mặt hàng Riềng xay nói trên sử dụng đã được phóng viên của chương trình Chuyển động 24h mang tới cơ quan chức năng để xác minh, giám định. Theo đó, chất bột này được xác định là chất natri hydrosulfit với tỷ lệ 55g/100g và một số tạp chất khác. Tuy rằng theo quy định, đây là một chất phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm với hàm lượng nhất định, thế nhưng với kết quả kiểm nghiệm của Viện an toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra thì chất bột màu trắng được thu giữ tại cơ sở sản xuất Riềng xay trên lại hoàn toàn không đảm bảo yêu cầu an toàn cho việc sử dụng sản xuất thực phẩm bởi độ tinh khiết của nó không cao.

PGS.TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm khẳng định: “Phụ gia thực phẩm ít nhất phải đảm bảo độ tinh khiết 95 – 99%. Trong khi đó, chất bột màu trắng này còn gần 50% hoạt chất khác mà người ta không biết, vì thế có thể nói đây là chất bột công nghiệp nào đó", PGS.TS Trần Đáng cho biết.

Trao đổi với một số người tiêu dùng về nội dung của phóng sự này, chị T sống tại quận Đống Đa – Hà Nội bức xúc nói: Thật không thể tưởng tượng nổi vì lợi nhuận mà người ta lại có thể cố tình bỏ qua vấn đề an toàn của người tiêu dùng. Việc làm vô lương tâm này đang đầu độc dần dần biết bao nhiêu người tiêu dùng trong thời gian qua? Một loại gia vị thực phẩm có giá không nhiều tiền mà những người sản xuất còn có thể sử dụng hóa chất để làm ra sản phẩm như vậy thì liệu còn mặt hàng thực phẩm nào mà họ không sử dụng hóa chất để bảo quản nữa? Yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ những cơ sở sản xuất như vậy và có biện pháp xử lý nghiêm khắc để bảo vệ người tiêu dùng.

Vụ việc 47 người dân tại thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã phải nhập viện điều trị sau khi ăn bánh mỳ mua tại quán Khánh Trang, quốc lộ 20, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng vẫn còn mới nguyên. Ngày 23/6/2016 vừa qua, cơ quan Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng đã có kết luận chính thức về sự việc trên, nguyên nhân khiến 47 người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 1 người đã tử vong là do ngộ độc thực phẩm là bánh mỳ.

Ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự ( sửa đổi)  bắt đầu có hiệu lực. Căn cứ vào  Điều 317  “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” của Bộ luật Hình sự (sửa đổi), thì người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm.

 Luật đã có, vấn đề còn lại là việc thực thi luật phải nghiêm minh để tội phạm về thực phẩm không an toàn không có đất sống!

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới