Cần bảo vệ đàn khỉ khu vực đèo Cao Pha

Đèo Cao Pha của tỉnh lộ 106; thuộc bản Sẳng, xã Chiềng Xôm (Thành phố), cách trung tâm Thành phố khoảng 17 km, phía đông giáp với xã Mường Bú (Mường La), phía tây giáp với xã Bó Mười (Thuận Châu). Tại nơi giáp ranh giữa Thành phố và huyện Mường La, hai dãy núi đá cao và những cánh rừng nguyên sinh rộng khoảng 200 ha. Đã từ lâu, đây là nơi cư trú của những cá thể khỉ, những năm 80 của thế kỷ XX, số lượng đàn khỉ có khoảng 100 con, nhưng hiện tại đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Vách đá cao là nơi đàn khỉ sinh sống. 

Ông Lò Văn Nghĩ, Trưởng bản Sẳng, xã Chiềng Xôm (Thành phố), kể: Thỉnh thoảng vào buổi sáng, hoặc buổi chiều, người dân trong bản hay khách qua đường lại bắt gặp đàn khỉ chuyền cành trên cây hay vách đá cao. Theo người dân trong bản thì có hai loại khỉ, một loại có lông màu xám, trọng lượng khoảng 20 kg; loại khỉ mặt đỏ, trọng lượng nhỏ hơn, con trưởng thành cỡ 10 kg. Hai loại khỉ này sống cùng đàn với nhau. Đèo Cao Pha dốc dựng đứng có nhiều vách đá, hang động, chính vì vậy, đã trở thành nơi cư trú cho đàn khỉ. Ban đêm đàn khỉ về hang động để ngủ, sáng ra đi kiếm ăn, chủ yếu là hoa quả rừng, các loại lá cây và bắp ngô. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng những cá thể khỉ này đã giảm rõ rệt, chỉ còn khoảng 50 đến 60 con. Nguyên nhân là do một số người dân đã săn bắn hoặc dùng bẫy để bắt khỉ; một số người dân tái sử dụng súng tự chế (súng kíp) để săn bắn các loại động vật hoang dã như: Chim, gà rừng, sóc, cáo, hoãng và khỉ cũng là mục tiêu săn bắn ráo riết. Tuy nhiên, người dân không mang súng về nhà mà giấu trong rừng, nên Ban Quản lý bản và công an viên bản rất khó theo dõi để có biện pháp xử lý. Do nắm bắt khá rõ về quy trình hoạt động của đàn khỉ, chỉ cần ngồi phục ở cửa hang chờ đàn khỉ đi kiếm ăn về hang là dùng súng bắn tỉa hoặc buổi sáng sớm lúc đàn khỉ ra khỏi hang đi kiếm ăn cũng là thời điểm để săn bắn. Ông Nghĩ còn cho biết thêm: Năm 2015 có một người dân trong bản đi phục bắn khỉ vào ban đêm đã trượt chân rơi xuống hang dẫn đến tử vong.

Trước thực trạng trên, bản đã tuyên truyền cho bà con trong các cuộc họp của bản, đồng thời, lồng ghép tuyên truyền việc không sử dụng súng tự chế, không đánh bẫy các loại động vật hoang dã và thú quý hiếm. Nội dung này còn được đưa vào quy ước của bản để bà con thực hiện, trong đó quy định rõ mức phạt. Song, vì ham lợi nên việc săn bắn, đánh bẫy các loại thú vẫn diễn ra. Được biết, rừng Cao Pha  thuộc rừng khoanh nuôi do bản Sẳng quản lý và được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng mỗi năm gần 100 triệu đồng. Vì vậy, công tác bảo vệ rừng được cấp ủy, Ban Quản lý bản rất chú trọng, rừng Cao Pha luôn được giữ gìn, bảo vệ tốt.

Tuy nhiên, nếu không có giải pháp bảo vệ quyết liệt, đàn khỉ đang cư ngụ ở khu vực rừng đèo Cao Pha sẽ bị tuyệt chủng. Ban Quản lý bản Sẳng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt việc thu hồi các loại súng tự chế trong dân. Đồng thời, đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền ý thức bảo vệ động vật hang dã, đặc biệt là đàn khỉ.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới