Cần bảo đảm an toàn giao thông đường thủy ở Chiềng Lao

Từ khi thủy điện Sơn La tích nước, nhân dân 6 bản: Xu Xàm, Nà Xu, Nà Biềng, Huổi Hậu, Pậu và Pá Sóng của xã Chiềng Lao (Mường La) gặp khá nhiều khó khăn trong việc lưu thông, để ra trung tâm xã hoặc đi lại giữa các bản chủ yếu sử dụng đường thủy. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông đường thủy ở đây phần lớn là thuyền máy chuyên chở hàng hóa kiêm chở người, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn.

Người dân xã Chiềng Lao (Mường La) tham gia giao thông đường thủy nhưng không mặc áo phao. 

Có mặt tại bến đò bản Nà Nong - bến chính đi các bản lúc xế chiều, nhiều học sinh và người dân đứng, ngồi ở bến để đón thuyền về nhà. Chờ khoảng 20 phút, thì 2 chiếc thuyền máy cập bến, mọi người trên bến ai nấy nhanh chân bước lên thuyền. Theo quan sát, chúng tôi thấy 2 chiếc thuyền máy khá lớn, có thể chở vài chục người cùng xe máy và các loại hàng hóa, nhưng tất cả không thấy ai mặc áo phao cứu sinh hoặc dụng cụ nổi theo quy định, thậm chí nhiều em học sinh còn ra đứng ở mũi thuyền, ngồi lên lan can... rất nguy hiểm. Trò chuyện với em Lừ Thị Lan, học sinh lớp 9A, Trường THCS Chiềng Lao, em nhỏ nhẹ: Nhà ở bản Nà Biềng, cứ 6 giờ sáng hằng ngày thì ra bến đón thuyền để đi học, xế chiều mới ra về. Đi nhiều thành quen, nên em không mặc áo phao đâu! Ngồi bên cạnh là ông Vàng A Nhìa (bản Huổi Trà, xã Nậm Giôn) cũng không mặc áo phao cứu sinh, ông bảo: Hôm nay có việc phải ra huyện nên đi thuyền; có đường bộ về bản đấy nhưng đường xa nên đi đường sông gần hơn. Còn anh Lò Văn Hướng, chủ thuyền kể: Gia đình tôi hiện có 2 chiếc thuyền, trọng tải 12 tấn và 40 tấn, tham gia lưu thông phục vụ nhu cầu của bà con. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tôi đã được tập huấn và có chứng chỉ vận hành tàu thuyền nên thường xuyên kiểm tra hệ thống máy móc, thân thuyền trước khi vận hành trên sông. Trên thuyền cũng có áo phao cứu sinh, nhưng số lượng không nhiều và chỉ cho khách  mặc khi trời mưa to, gió lớn thôi!

Được biết, tuyến đường sông từ bến đò Nà Nong đến bến đò bản Xu Xàm dài hơn 2km. Không chỉ 420 hộ dân ở 6 bản, mà người dân thuộc một số xã lân cận cũng chọn tuyến đường thủy này để lưu thông, vì vậy lưu lượng người di chuyển hằng ngày khá nhiều. Trên địa bàn xã Chiềng Lao hiện có 98 thuyền máy, xuồng máy của người dân đang hoạt động; trong đó, một số thuyền chuyên chở khách, còn lại là thuyền hoặc xuồng người dân tự đóng để đánh bắt tôm, cá phục vụ sinh hoạt. Các phương tiện chủ yếu đóng theo nhu cầu của hộ gia đình, hầu như không theo thiết kế tiêu chuẩn kỹ thuật và cũng chưa được đăng ký, đăng kiểm... thế nên, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy, gây khó khăn cho công tác quản lý phương tiện giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn xã. Vào mùa nước cạn, tại bến đò bản Nà Nong, quãng đường từ mép nước lên đến đường nội bản dài hơn 100m chưa được đổ bê tông, đường đất dốc, bùn lầy, trơn trượt rất khó khăn cho việc di chuyển của người dân và các em học sinh. Để phương tiện đi lại đảm bảo an toàn cho người dân, ban quản lý các bản đã tổ chức họp dân, thống nhất góp tiền để hợp đồng khoán thầu đò ngang 1 năm với 2 chủ đò là người địa phương; yêu cầu các chủ đò cam kết bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển hàng hóa, hành khách cũng như đưa đón học sinh.

Trao đổi vấn đề trên với ông Đoàn Quang Mạnh, Chủ tịch UBND xã, được biết giao thông đường thủy ở 6 bản trên đang là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Xã không có khả năng đầu tư phương tiện chở khách đảm bảo tiêu chuẩn; nhằm bảo đảm cho người dân đi lại an toàn, xã mới chủ yếu tuyên truyền, vận động mọi người khi lưu thông trên sông, hồ phải mang áo phao, trang bị dụng cụ nổi, phòng tránh đuối nước; chỉ đạo công an xã thường xuyên kiểm tra các thuyền, xuồng máy hoạt động đảm bảo an toàn, tuyệt đối không cho hoạt động khi có mưa to, gió lớn.

Thiết nghĩ, dù còn nhiều khó khăn, bất cập, song để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông đường thủy, chính quyền địa phương cần sớm xây dựng lại các bến đò; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện có giải pháp trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn phương tiện; xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của các chủ phương tiện và mỗi người dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới