Cách giữ rừng ở Bản Mạt

Theo giới thiệu của cán bộ Kiểm lâm huyện Sốp Cộp, chúng tôi đến bản Mạt, xã Mường Lèo để “thực mục sở thị” cách bà con ở nơi có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển giữ xanh những cánh rừng; cách mà họ bảo vệ, chăm sóc rừng như chính ngôi nhà của mình vậy.

 

Tổ bảo vệ rừng bản Mạt tuần tra, bảo vệ rừng.

 

Đứng trên đỉnh Pu Sâng nhìn xuống là những khu rừng xanh ngút ngàn. Ở đây nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, thích hợp cho sự phát triển nhiều loại cây rừng. Dẫn chúng tôi đi thăm rừng là cán bộ kiểm lâm Nguyễn Văn Hữu. Còn trẻ nhưng anh đã thuộc làu làu từng con số: Bản có 96 hộ, 461 nhân khẩu. Ở đây có tới 12.000 ha rừng, đây là bản có diện tích rừng hiện còn lớn nhất xã. Trong số này, đã giao khoán 9.341 ha cho người dân bảo vệ, đây cũng là diện tích người dân được chi trả dịch vụ môi trường rừng, với 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, 3 năm nay dân bản còn trồng 70 ha rừng thông. Bản đã thành lập tổ bảo vệ rừng từ năm 2005, với 15 người, năm nào tổ cũng được cán bộ kiểm lâm tập huấn công tác bảo vệ, PCCCR; họ thường xuyên phối hợp tuần tra, phát đường băng cản lửa. Năm ngoái, xảy ra một vụ cháy nhỏ do người dân bản khác làm cháy lan sang, nhưng do phát hiện sớm nên đám cháy được dập tắt kịp thời. Vụ cháy do thiên tai những năm 2014-2015, bản bị cháy khoảng 5 ha rừng, bà con xót lắm, tích cực cùng nhau chăm sóc, phục hồi, bây giờ rừng đã hồi sinh, bà con lại tiếp tục cùng nhau bảo vệ.

Trước năm 2000, rừng của bản thường xuyên bị phá để làm nương và khai thác gỗ. Sau khi được tuyên truyền bảo vệ rừng, giao đất giao rừng, nhân dân bản Mạt không còn làm lúa nương trong rừng, không phá rừng nữa, mà tích cực tái sinh và trồng rừng. Bây giờ, rừng của bản có nhiều cây gỗ to, ai có dịp đến đây, đều muốn đi thăm khu rừng đầu nguồn của bản, bởi nơi đây có nguồn nước mát quanh năm không chỉ cung cấp cho bản Mạt, mà còn cho nhiều bản khác trong vùng. Để bảo vệ từng khu rừng, người dân bản Mạt đã có cách làm hay và hiệu quả. Theo Trưởng bản Lò Văn Doan, Chi bộ bản ra nghị quyết bảo vệ rừng; tổ chức họp các đoàn thể thống nhất các phương án bảo vệ rừng. Từ năm 2005, ngoài tổ bảo vệ rừng, bản còn thành lập các tổ bảo vệ rừng theo mùa vụ, mỗi tổ có từ 3 đến 4 người, hộ nào cũng phải có người tham gia để trực bảo vệ rừng, thậm chí họ còn ngủ trực canh gác tại cửa rừng và các lối mòn vào rừng. Trực nhiều nhất là khoảng thời gian giữa tháng 6 và tháng 8, vì thời điểm này nhiều người dân địa bàn khác vào rừng lấy củi, khai thác gỗ, lấy măng. Để động viên, khuyến khích những người canh gác rừng, bản trích một phần từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để trả thù lao cho họ. Mỗi thành viên được nhận 200 nghìn đồng/ngày, mỗi tổ trực 3 ngày. Trong hương ước của bản nêu rõ, nếu phát hiện người dân nào vi phạm việc bảo vệ rừng thì khiển trách. Tuy nhiên, đến nay bản chưa có trường hợp nào vi phạm. Từ khoản tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản trích ra chia đều cho các hộ nhận khoán, không phân biệt diện tích ít hay nhiều. Tuy nhiên, không phải vì khoản tiền đó mà dân bản mới tham gia bảo vệ, mà việc làm đó được xuất phát từ việc mọi người đều hiểu được lợi ích từ rừng. Cũng nhờ làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ, những cánh rừng đã mang lại cho bản nguồn nước dồi dào phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu cho 4ha lúa nước 2 vụ. Ngoài ra, bà con còn được phép khai thác sản vật của rừng như măng, củi khô, nấm, sa nhân... để cải thiện cuộc sống.

Trong khi ở một số địa phương khác vẫn còn diễn ra tình trạng chặt phá, hủy hoại rừng, thì người dân bản Mạt lại luôn coi rừng như của chính nhà mình, luôn làm mọi cách để rừng mãi xanh.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới