Các dân tộc Sơn La đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển

5 năm qua (2014-2019), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, tự lực, tự cường vươn lên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước thực sự là động lực làm chuyển biến cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào cơ bản ổn định và tiếp tục được cải thiện. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH, củng cố thế trận quốc phòng-an ninh, tăng cường công tác đối ngoại, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng đổi mới, hội nhập, phát triển.

Vòng xòe đoàn kết các dân tộc.

Ảnh: TS

Sơn La là tỉnh miền núi, dân số 1,2 triệu người, gồm 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 11 dân tộc thiểu số, chiếm 83,51% dân số toàn tỉnh. 5 năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân tộc và chính sách dân tộc; chú trọng công tác giảm nghèo bền vững; hạn chế tình trạng di dịch cư tự do, cơ bản hoàn thành công tác định canh định cư, xây dựng địa bàn sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực; chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Điểm nhấn là từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hàng ngàn công trình giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà lớp học, chợ, kè; hỗ trợ nhu yếu phẩm, giống sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất; đào tạo tập huấn cho cán bộ xã và cộng đồng... Qua đó, đã tác động to lớn đến các mặt của đời sống xã hội, phát huy được sự sáng tạo của người dân, làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng dân tộc; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện; kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, năm 2018 tăng 8,59%, bình quân 3 năm (2016-2018) tăng 9,06%/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, mở rộng; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng, tăng gấp 1,34 lần so với năm 2014. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa; các ngành, các lĩnh vực, các vùng, các thành phần kinh tế đều có bước phát triển tiến bộ. Sản xuất nông nghiệp đạt thành tựu to lớn, toàn tỉnh có 50.642 ha lúa, 113.757 ha ngô, 34.826 ha sắn, 9.451 ha mía, 7.991 ha rau, 5.008 ha chè, 17.128 ha cà phê, 6.039 ha cao su, trên 62.000 ha cây ăn quả. Những năm gần đây, đồng bào đã đưa vào sản xuất 4 giống mía; 7 giống ngô; 17 giống cây ăn quả các loại nhằm tạo ra các sản phẩm khác biệt mang tính đặc trưng của từng vùng, có giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 68 mã số vùng trồng cây ăn quả với tổng diện tích 3.290 ha. 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu được 82.758 tấn nông sản các loại. Các mặt hàng nông sản của tỉnh Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: Vinmart, Big C, Lotte, Hapro... với số lượng lớn. Nghề rừng được chú trọng theo hướng duy trì rừng đầu nguồn và phát triển rừng kinh tế, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,51%. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng hàng hóa. Nghề nuôi trồng thủy sản đa dạng, nhất là nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân, HTX trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản, như: Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Công ty cổ phần Mía đường Sơn La; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Mai Sơn; Các nhà máy chế biến chè tại Mộc Châu, Bắc Yên, Thuận Châu; Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La; Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu; Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28/10...

Sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số còn thể hiện ở việc cân đối, bố trí các nguồn vốn ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, phát triển kết cấu hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, khu căn cứ kháng chiến, chương trình xây dựng nông thôn mới... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm 2016-2018 đạt 44.010 tỷ đồng. Thu hút được 249 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký 17.799 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, số vốn đăng ký 160 triệu USD... Đến nay, 177 xã có đường giao thông đến trung tâm đi được 4 mùa; 1.966 bản có đường giao thông được cứng hóa từ trung tâm xã đến bản. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 93,8%, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã huy động nhân dân đóng góp đất đai, tài sản trên đất, tiền của, ngày công lao động với tổng trị giá trên 1.551 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng thành phố Sơn La đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Tráng Thị Xuân thăm và tặng quà

gia đình chính sách tại bản Nà Nong, thị trấn Ít Ong (Mường La).

Ảnh: Tư liệu

Sự nghiệp văn hóa, xã hội; giáo dục - đào tạo, y tế, an sinh xã hội được bảo đảm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục phát triển. Văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy như tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, dân nhạc; phong tục tập quán, các nghi lễ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực... Các chương trình xoá đói, giảm nghèo thực hiện đến từng hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 25,2%. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh  được củng cố vững chắc. Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường và giữ vững. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường.

Bài học kinh nghiệm rút ra trong 5 năm qua là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Xác định rõ công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số là yêu cầu cốt lõi, chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của công tác dân tộc. Tăng cường, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc đồng bộ, hiệu quả, sát với thực tế và không chồng chéo; phải có những chính sách hợp lý, đổi mới nhằm khuyến khích, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi. Tăng cường công tác dân vận trong việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy và mở rộng quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc thực hiện chính sách dân tộc, đảm bảo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Khuyến khích, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao tinh thần tự lực, tự cường vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tuyên truyền vận động để đồng bào các dân tộc thiểu số từ bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bài trừ các tà đạo trái phép; khơi dậy tinh thần thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc và củng cố khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hòa nhập và phát triển”, giai đoạn 2019-2024, tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng, vận dụng hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số toàn diện, nhanh, bền vững.Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là ở cơ sở vùng cao, biên giới, tăng cường giáo dục đoàn viên, hội viên tích cực tham gia củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Thực hiện chính sách các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Các cấp, các ngành cần phối kết hợp chặt chẽ trong việc lồng ghép chính sách trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số. Tập trung ưu tiên đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhất là trên địa bàn các xã, bản vùng xâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trước hết là phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc và sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, sự giúp đỡ của các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị quân đội trên địa bàn, nhằm làm chuyển biến cơ bản tình hình kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn và những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là địa bàn sản xuất, tạo điều kiện để người nông dân được tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, văn hóa và các phúc lợi xã hội khác; khuyến khích nông dân góp giá trị quyền sử dụng đất và lao động của mình với các doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống. Coi trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mở rộng và tăng cường hợp tác, giao lưu về văn hoá, thông tin với các tỉnh trong khu vực, cả nước và quốc tế; chủ động đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an ninh biên giới, an ninh nội địa; phòng chống hiệu quả âm mưu và hoạt động “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, hoạt động chống phá của các phần tử phản động; giải quyết tốt vấn đề tôn giáo, dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xây dựng Sơn La ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Tráng Thị Xuân

Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới