Biết đọc, biết viết

Từ năm 1965, Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 8/9 hàng năm là Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ; nhấn mạnh biết đọc, biết viết là quyền và là nền tảng cho việc học tập suốt đời của tất cả mọi người, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của xã hội.

 

Ông trung niên nêu ý kiến khi bàn về sự kiện:

- Đã 73 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong sáu nhiệm vụ cấp bách của chính phủ. Phong trào “bình dân học vụ” và tinh thần “diệt giặc dốt” vẫn vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa tích cực, tạo cơ sở nền tảng cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, tập trung cao cho mục tiêu xây dựng xã hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời sau này. Ngày nay, khái niệm về xóa mù chữ đã có rất nhiều thay đổi, không còn giới hạn ở các kỹ năng cơ bản về đọc, viết và tính toán mà phải là phổ biến rộng rãi, thỏa mãn tối đa nhu cầu học tập đa dạng của mọi người dân, hướng tới xã hội hóa tri thức, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

 Hăng hái tham gia, bác da ngăm ngăm nhấn mạnh:

- Xóa mù chữ là động lực chính bảo đảm phát triển bền vững, là điều kiện tiên quyết để lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng và giá trị cần thiết để xây dựng xã hội. Theo đó, cần những nỗ lực cao độ cả chính trị và tài chính để bảo đảm xóa mù chữ một cách triệt để nhất. Tuy nhiên, chúng ta hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác xóa mù chữ, bởi không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, viết mà còn phải xóa mù chữ trong kiến thức khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, đào tạo ngành nghề, cùng nhiều lĩnh vực khác. Làm sao có thể thỏa mãn nếu ở địa bàn nào đó còn công dân, nhất là phụ nữ và trẻ em chưa được đi học hoặc phải bỏ học vì những lý do khác nhau!

Ra dáng suy tư, anh chàng nhỏ thó nêu khía cạnh khác:

- Trong xã hội hiện đại, không chỉ xóa mù chữ thuần túy mà còn phải xóa mù chữ chức năng. Nghĩa là học vấn cao vẫn có thể rơi vào tình trạng mù chữ chức năng nếu không cập nhật thường xuyên các kỹ năng mới, không đáp ứng những thay đổi về nội dung và phương pháp nghiên cứu, lao động, sản xuất. Tất cả các tình trạng mù nghề nghiệp, mù thông tin, mù ngoại ngữ, mù công nghệ, mù kỹ thuật... đều có thể gây nên tình trạng mù chữ chức năng, dẫn đến thiếu hiệu quả, thiếu tính thiết thực trong các hoạt động nghiên cứu, thực hiện chuyên môn nghiệp vụ, hoặc tổ chức lao động sản xuất...

Đồng tình với các thành viên, ông trung niên nói thêm:

- Xã hội hiện đại thay đổi từng ngày, từng giờ, đòi hỏi mỗi người cần thường xuyên cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, trau dồi kỹ năng lao động. Đẩy mạnh quá trình xây dựng xã hội học tập là hết sức cần thiết, xóa mù chữ chức năng càng cần thiết hơn, bởi đó là những việc làm mấu chốt để hạn chế đói nghèo, ngăn chặn tăng trưởng dân số quá nhanh, quá nóng, thiết lập bình đẳng giới, giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em... Đồng thời, mang đến cho mọi người kỹ năng nghe, đọc, viết không chỉ của dân tộc mình, mà còn tiếp nhận, chọn lọc, phát triển kiến thức, văn hóa của các dân tộc khác. Biết đọc, biết viết là quyền của con người, công cụ quyền lực cá nhân, là nhân tố phát triển xã hội và con người, mở ra con đường tiếp nhận các kỹ năng, hiểu biết văn hóa, tự giác, tự tin tham gia mọi hoạt động xã hội, là chìa khóa để tiếp thu hiểu biết, kỹ năng sống, kiến thức và học cách trở thành công dân hiện đại thời 4.0 hoặc hơn nữa. Thế đấy các chú ạ!

Nguyễn Quang

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới