Theo dự đoán về khí hậu nóng lên, số lượng các loài đã giảm ở xích đạo và tăng lên ở vùng cận nhiệt đới từ những năm 1950. Đây là tình trạng chung của tất cả 48.661 loài và chúng được chia thành những loài sống dưới đáy biển (sinh vật đáy) và ở vùng nước mở (vùng cá nổi), cá, động vật thân mềm và giáp xác.

Các kết quả từ nghiên cứu do Đại học Auckland (New Zealand) dẫn đầu cho thấy các loài sinh vật biển vùng nước mở ở Bắc bán cầu có xu hướng di chuyển nhiều về phía cực Bắc hơn so với các loài sinh vật đáy. Trong khi đó, các loài ở Nam bán cầu lại không có làn sóng di chuyển tương tự. Nguyên nhân là do tình trạng đại dương ấm lên ở Bắc bán cầu rõ rệt hơn Nam bán cầu.

Trước đây, vùng  nhiệt đới luôn được coi là ổn định và có nhiệt độ lý tưởng cho sinh sôi vì có rất nhiều loài sinh vật xuất hiện ở đó. Giờ đây, vùng nhiệt đới được xác định không thực sự ổn định đến vậy và ngày càng trở nên quá nóng đối với nhiều loài.

Nghiên cứu này là thành quả nghiên cứu tiến sĩ của tác giả chính Chhaya Chaudhary tại Đại học Auckland và được xây dựng dựa trên một loạt các nghiên cứu trong một nhóm nghiên cứu chung chuyên đào sâu tài liệu và dữ liệu về các nhóm phân loại cụ thể, bao gồm động vật giáp xác, cá và giun.

Dữ liệu được lấy từ Hệ thống Thông tin Đa dạng Sinh học Đại dương (OBIS), một cơ sở dữ liệu thế giới trực tuyến có thể truy cập miễn phí do Giáo sư Mark Costello của trường Đại học thành lập trong khuôn khổ của Điều tra sinh vật biển,một chương trình khám phá biển toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2010. Các thông tin ghi nhận về thời gian và vị trí của các loài được tổng hợp thành các dải vĩ độ và một mô hình thống kê được sử dụng để tính biến số trong lấy mẫu.

Năm ngoái, Giáo sư Costello đã đồng tác giả một nghiên cứu cho thấy mặc dù đa dạng sinh học biển leo thang và đạt đỉnh điểm ở xích đạo trong kỷ băng hà cuối cùng vào 20.000 năm trước, nó đã bị kéo phẳng trước tình trạng nóng lên toàn cầu thời kỳ công nghiệp. Nghiên cứu này sử dụng hồ sơ hóa thạch của sinh vật phù du biển bị chôn vùi trong trầm tích biển sâu để theo dõi những biến động về đa dạng loài qua hàng nghìn năm.

Nghiên cứu mới nhất theo thang thời gian thập kỷ cho thấy xu hướng kéo phẳng này đã tiếp tục diễn ra trong thế kỷ qua, và số lượng loài hiện đang giảm dần ở đường xích đạo. Nghiên cứu này, và những công trình khác đang được tiến hành, cho thấy số lượng các loài sinh vật biển suy giảm khi nhiệt độ nước biển trung bình hàng năm cao trên 20 đến 25 độ C (thay đổi theo các loại loài khác nhau).

Là một trong những tác giả chính của Báo cáo Đánh giá lần thứ 6 hiện tại của Ủy ban Quốc tế về Biến đổi Khí hậu (IPCC), Giáo sư Costello cho rằng những phát hiện này có ý nghĩa rất lớn. “Công trình của chúng tôi cho thấy rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học biển ở quy mô toàn cầu trên tất cả các loài. Biến đổi khí hậu đã ở đây với chúng ta rồi và diễn ra với tốc độ ngày một nhanh. Chúng ta có thể dự đoán xu hướng thay đổi chung về đa dạng loài, nhưng do tính chất phức tạp của các tương tác sinh thái, nên hiện nay vẫn chưa rõ mức độ phong phú của sinh vật biển và ngành nghề đánh bắt cá sẽ thay đổi như thế nào theo biến đổi khí hậu”, Giáo sư Costello cho biết.

Cũng theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, tốc độ biến đổi khí hậu dưới tầng sâu các đại dương trên thế giới có thể cao gấp 7 lần mức hiện tại vào nửa sau của thế kỷ này ngay cả khi lượng khí thải nhà kính bị cắt giảm đáng kể.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu khác nhau ở các độ sâu khác nhau tác động lớn đến động vật hoang dã ở đại dương, gây ra sự mất kết nối khi các loài dựa vào nhau để sinh tồn buộc phải di chuyển.

Giáo sư Anthony Richardson thuộc Đại học Queensland và CSIRO, đồng thời là một trong 10 tác giả của nghiên cứu chỉ rõ: “Điều thực sự khiến chúng ta lo lắng là khi di chuyển xuống phía dưới sâu đại dương, vận tốc khí hậu di chuyển với tốc độ khác nhau”. Điều này có thể tạo ra sự mất kết nối với những loài sống dựa vào sinh vật hữu cơ ở các tầng khác nhau. Chẳng hạn, cá ngừ sống ở tầng trung lưu với độ sâu từ 200 – 1000 m nhưng chúng cần tới các loài sinh vật phù du gần mặt biển.

Giáo sư Richardson nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu thật đáng quan ngại với tốc độ khí hậu khác nhau tùy vào độ sâu của đại dương và xu hướng các loài cần di chuyển cũng không đồng đều. Điều này có thể có nghĩa là những khu bảo tồn biển được thành lập để bảo vệ các loài hoặc sinh cảnh có thể không còn tác dụng khi các loài di chuyển ra khỏi khu bảo tồn để vào các khu vực không được bảo vệ.